Sản lượng dầu thô của Nga có thể giảm 1 triệu thùng/ngày

Các nhà phân tích hàng hóa của ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) nhận định rằng lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào sản phẩm từ dầu của Nga từ ngày 5/2 có thể làm sản lượng dầu thô Nga giảm 1 triệu thùng mỗi ngày trong năm 2023.

Chú thích ảnh
Một trạm bơm dầu ở làng Yamashi thuộc Almetyevsk, CH Tatarstan (LB Nga). Ảnh: AP/TTXVN

Theo trang oilprice.com ngày 2/1, nhà phân tích Giovanni Staunovo tại UBS, nhận định thêm rằng Nga sẽ gặp khó khăn trong tìm kiếm thị trường thay thế.

Mặc dù Nga đang chuyển hướng và bán dầu thô sang châu Á, nhưng các thương nhân ngày càng gặp khó khăn trong tìm được tàu có bảo hiểm cần thiết để vận chuyển dầu thô Nga. Tính đến tuần đầu tiên của tháng 12/2022, Nga đã chuyển gần 90% lượng dầu thô đến châu Á.

Nga cũng đã cảnh báo rằng họ có thể cắt giảm sản lượng tới 700.000 thùng/ngày để đáp trả biện pháp áp giá trần dầu ở mức 60 USD/thùng mà Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đưa ra vào tháng 12/2022.

Trong khi đó, nhà phân tích Ole Hansen tại Ngân hàng Saxo (Đan Mạch), dự báo rằng nguồn cung dầu toàn cầu sẽ khan hiếm hơn, khiến giá dầu lên tới 100 USD/ngày trong năm nay, khi nhu cầu của Trung Quốc tăng lên. Ông nói: “Sau quý đầu tiên yếu ớt, tôi thấy giá dầu Brent sẽ quay trở lại phạm vi 90-100 USD/thùng. Điều gì xảy ra sau đó sẽ phụ thuộc vào mức độ suy thoái kinh tế sắp tới”.

Nga có ngành lọc dầu lớn thứ ba thế giới và lệnh cấm của EU có hiệu lực vào ngày 5/2 sẽ có tác động khá lớn.

Theo Energy Intelligence, các nhà máy lọc dầu Nga đang gặp khó khăn do thiếu lao động. Các nhà phân tích của Energy Intel dự đoán lợi nhuận lọc dầu của Nga sẽ tiếp tục giảm trong năm nay khi nước này phải trả nhiều tiền hơn cho các tàu chở dầu để xuất khẩu đi xa hơn. Dự báo sản lượng lọc dầu của Nga sẽ giảm 600.000 thùng/ngày vào năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước đó, ngày 27/12/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh cấm cung cấp dầu mỏ và các sản phẩm liên quan cho những quốc gia áp giá trần dầu mỏ Nga.

Theo quy định trong sắc lệnh của Điện Kremlin, lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 1/2 và kéo dài 5 tháng cho đến ngày 1/7. Đáng chú ý, hoạt động xuất khẩu dầu thô cho những quốc gia áp giá trần dầu mỏ Nga sẽ bắt đầu bị cấm từ ngày 1/2, song thời điểm bắt đầu thi hành lệnh cấm đối với các sản phẩm từ dầu mỏ sẽ do Chính phủ Nga quyết định và có thể là sau ngày 1/2. Sắc lệnh còn bao gồm một điều khoản cho phép Tổng thống Putin bãi bỏ lệnh cấm trong những trường hợp đặc biệt.

Hôm 26/12/2022, hãng tin TASS dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov nêu rõ Moskva không có ý định bán dầu mỏ cho những quốc gia ủng hộ biện pháp áp giá trần dầu mỏ Nga.

Bộ trưởng Siluanov cũng nhắc đến khả năng thâm hụt ngân sách năm 2023 của Nga có thể cao hơn mức dự kiến 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) do biện pháp áp giá trần ảnh hưởng đến nguồn thu, song Moskva sẽ tìm cách phát triển các thị trường mới nhằm khôi phục hoạt động xuất khẩu dầu mỏ. Ông lưu ý một trong những khía cạnh quan trọng cần nhìn ra khi áp giá trần với dầu mỏ Nga là những quốc gia thực hiện biện pháp này sẽ không còn được cung cấp dầu Nga. Họ có thể tìm kiếm nguồn cung từ các nước khác, nhưng chi phí hậu cần sẽ tăng và mức ưu đãi giá cũng sẽ khác.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Hạ tầng năng lượng bị phá huỷ trong xung đột, Ukraine sẽ tăng phí vận chuyển dầu Nga tới EU
Hạ tầng năng lượng bị phá huỷ trong xung đột, Ukraine sẽ tăng phí vận chuyển dầu Nga tới EU

Ukraine sẽ tăng phí vận chuyển dầu Nga chạy qua đường ống Druzhba đặt trên lãnh thổ của nước này tới Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 1/1/2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN