Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một sắc lệnh hành pháp tại Nhà Trắng. Ảnh: Getty Images/TTXVN
“Người Mỹ cần được tiếp cận một cách đáng tin cậy với IVF và nhiều lựa chọn điều trị giá cả phải chăng hơn, vì chi phí cho mỗi chu kỳ có thể dao động từ 12.000 đến 25.000 USD”, sắc lệnh tổng thống nêu rõ.
Ngoài ra sắc lệnh mới trên cũng đề cập về việc: “Việc cung cấp sự hỗ trợ, nâng cao nhận thức và tiếp cận các phương pháp điều trị vô sinh giá cả phải chăng có thể giúp những gia đình này có sự hy vọng, vững tin trên hành trình để làm cha mẹ”.
Sắc lệnh yêu cầu Trợ lý tổng thống về chính sách đối nội trình lên cho Tổng thống Trump danh sách các khuyến nghị chính sách nhằm bảo vệ quyền tiếp cận IVF và giảm mạnh chi phí cá nhân và chi phí bảo hiểm y tế cho việc điều trị IVF trong vòng 90 ngày.
IVF đã trở thành chủ đề được thảo luận nhiều trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024 sau khi bang Alabama đồng ý bảo vệ các nhà cung cấp dịch vụ IVF khỏi trách nhiệm pháp lý. Quyết định này được đưa ra vài tuần sau khi Tòa án Tối cao bang phán quyết rằng phôi đông lạnh có thể được coi là trẻ em theo luật của bang.
Khi đó, ông Trump đã tuyên bố sẽ ủng hộ mạnh mẽ việc cung cấp, tiếp cận phương pháp IVF. Một cuộc thăm dò vào tháng 6 do Trung tâm nghiên cứu các vấn đề công của The Associated Press-NORC tiến hành cho thấy: khoảng 6/10 người trưởng thành tại Mỹ ủng hộ việc bảo vệ quyền tiếp cận IVF, 26% thể hiện thái độ trung lập và khoảng 1/10 người bày tỏ quan điểm phản đối.
Theo một báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ vào năm 2018, các công nghệ hỗ trợ sinh sản, bao gồm IVF, đã giúp đóng góp tới 2% tổng số trẻ sơ sinh được chào đời tại Mỹ.
Các chính sách bảo hiểm và hoạt động phản đối IVF
Quy trình IVF cung cấp một giải pháp khả thi cho những người phụ nữ gặp khó khăn trong việc mang thai và thường được áp dụng sau khi các phương pháp điều trị hiếm muộn khác ít tốn kém hơn đã thất bại.
Tuy nhiên, phạm vi chi trả bảo hiểm cho IVF và các phương pháp điều trị sinh sản khác có thể không đồng nhất và phụ thuộc vào đơn vị cung cấp bảo hiểm cho bệnh nhân.
Thời gian qua, nhiều nhà tuyển dụng lớn đang cung cấp các gói bảo hiểm IVF để thu hút và giữ chân người lao động. Nhiều doanh nghiệp cũng đang mở rộng phạm vi bảo hiểm, không chỉ giới hạn ở những người bị chẩn đoán vô sinh mà còn giúp các cặp đôi LGBTQ+ và phụ nữ độc thân có thể tiếp cận phương pháp IVF.
Tuy nhiên, các chương trình do chính phủ tài trợ, như Medicaid, phần lớn vẫn hạn chế phạm vi bảo hiểm chi trả cho điều trị vô sinh. Các nhà tuyển dụng nhỏ nhỏ cũng ít khi cung cấp bảo hiểm cho IVF hơn so với những nhà tuyển dụng lớn.
Những người chỉ trích cho rằng việc bảo hiểm không được áp dụng rộng rãi đã tạo ra sự phân hóa, khiến các phương pháp điều trị này chủ yếu chỉ dành cho những ai có khả năng chi trả hàng chục nghìn USD.
Em bé đầu tiên được thụ thai bằng phương pháp IVF đã chào đời vào năm 1978 tại Anh. Tại Mỹ, ca IVF đầu tiên thành công là vào năm 1981 tại Norfolk, bang Virginia với sự xuất hiện của em bé Elizabeth Carr.
Mẹ của cô bé, bà Judith Carr, từng trải qua ba lần mang thai bất thường, buộc phải cắt bỏ ống dẫn trứng. Bà và chồng đã tìm đến các bác sĩ Howard và Georgeanna Jones, những người điều hành một phòng khám hiếm muộn tại Trường Y Eastern Virginia.
Phòng khám Norfolk đã phải đối mặt với sự phản đối ngay cả trước khi hoạt động. Khi phòng khám này xin giấy chứng nhận bắt buộc của bang vào năm 1979, hơn 600 người đã tham gia phiên điều trần công khai liên quan đến phòng khám. Một số phụ nữ đã lên tiếng ủng hộ IVF và làm chứng về mong muốn chia sẻ mong muốn có con, trong khi các nhóm phản đối phá thai lo ngại về việc bác sĩ can thiệp vào quá trình thụ thai tự nhiên cũng như khả năng nhiều phôi đã thụ tinh bị vứt bỏ.
Bất chấp nỗ lực lập pháp nhằm ngăn chặn phòng khám, cơ sở này vẫn mở cửa vào năm 1980, sau đó là các phòng khám khác tại California, Tennessee và Texas. Đến năm 1988, ít nhất 169 trung tâm IVF đã hoạt động tại 41 bang của Mỹ.
Giáo sư lịch sử Margaret Marsh tại Đại học Rutgers (bang New Jersey) cho biết việc áp dụng phương pháp IVF ngày càng tiếp tục tăng, nhưng phong trào phản đối phá thai ở Mỹ chưa bao giờ thực sự từ bỏ thái độ “thù địch” phương pháp này.
Giáo sư Marsh cho biết nhiều người phản đối phá thai đã từng chấp nhận công nghệ này như một phương pháp điều trị vô sinh. Nhưng sự phản đối IVF đã gia tăng kể từ khi phán quyết Roe v. Wade bị lật ngược vào năm 2022.
Bà cho biết: “Không phải tất cả những người trong phong trào chống phá thai đều phản đối các công nghệ sinh sản này, nhưng nhiều người phản đối”.
Phương pháp điều trị vô sinh hiếm muộn IVF
Phương pháp này bao gồm việc lấy trứng của người phụ nữ và kết hợp với tinh trùng của người đàn ông trong phòng thí nghệm để tạo ra phôi đã thụ tinh, sau đó được chuyển trở lại vào tử cung của người phụ nữ nhằm tạo ra thai kỳ.
IVF được thực hiện theo chu kỳ và có thể cần nhiều chu kỳ để đạt kết quả mong muốn. Quy trình này có thể sử dụng trứng và tinh trùng của chính cặp vợ chồng hoặc từ người hiến tặng.
Trong quy trình IVF, bác sỹ thường sử dụng hormone để kích thích rụng trứng, tạo ra nhiều trứng và dùng kim để lấy trứng ra khỏi buồng trứng. Trứng có thể được thụ tinh bằng cách để tinh trùng “tự tiếp cận” trứng trong phòng thí nghiệm hoặc tiến hành bơm một tinh trùng duy nhất vào mỗi trứng.
Tiến sĩ Jason Griffith, bác sĩ nội tiết sinh sản tại Houston, cho biết trứng đã thụ tinh được nuôi cấy trong khoảng 5 - 6 ngày để tạo thành phôi nang - giai đoạn đầu của phôi - và được chuyển vào tử cung phụ nữa hoặc lưu trữ để sử dụng trong kho để sử dụng trong tương lai.
Bác sĩ Griffith cho biết vào ngày thứ 3 sau khi thụ tinh, phôi thai có từ 6 - 10 tế bào. Đến ngày thứ 6, phôi sẽ có từ 100 - 300 tế bào. Để so sánh, ông cho biết cơ thể người có khoảng hơn 1.000 tỷ tế bào.
Phôi đông lạnh có thể được sử dụng cho những lần mang thai sau và phần lớn đều sống sót sau quá trình rã đông. Theo Đại học Y Johns Hopkins của Mỹ, quá trình đông lạnh bao gồm việc thay thế nước trong tế bào phôi bằng chất lỏng bảo vệ và làm đông lạnh nhanh bằng nitơ lỏng.
Phôi đông lạnh được lưu trữ trong các bể chứa nitơ lỏng tại các phòng thí nghiệm bệnh viện hoặc trung tâm y học sinh sản. Ông Griffith cho biết các phôi này cũng có thể được lưu trữ tại các cơ sở lưu trữ do các cơ sở chăm sóc sức khỏe ký hợp đồng, đặc biệt là khi cần lưu trữ trong nhiều năm. Phôi đông lạnh có thể được bảo quản một cách an toàn trong một thập kỷ hoặc lâu hơn để có thể rã đông sử dụng sau đó.
Ông Griffith cho biết các cơ sở này thường được giám sát chặt chẽ, có cơ chế bảo vệ vật lý để đảm bảo an toàn cho các bể chứa, đồng thời trang bị máy phát điện dự phòng trong trường hợp mất điện.