Rừng nguyên sinh bị chặt phá trong năm 2020 tương đương diện tích Hà Lan

Trong bối cảnh tốc độ phá rừng nhiệt đới trên Trái Đất đang tăng nhanh dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc, một nghiên cứu công bố ngày 30/3 cho thấy diện tích rừng nguyên sinh bị đốt hoặc chặt phá trong năm 2020 tương đương diện tích Hà Lan. 

Chú thích ảnh
Khoảng rừng Amazon bị chặt phá tại Brazil. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Theo báo cáo dựa trên dữ liệu vệ tinh của Tổ chức Theo dõi rừng toàn cầu, Brazil là nơi chịu thiệt hại nặng nhất, diện tích rừng bị phá hủy tại nước này cao gấp 3 lần so với quốc gia xếp thứ hai là CHDC Congo. Trong năm 2020, có tới 4,2 triệu hecta rừng nguyên sinh tại các vùng nhiệt đới bị phá hủy, cao hơn 12% so với năm trước đó. Tính tổng cộng trong năm 2020 các khu vực nhiệt đới đã bị mất 12,2 triệu hecta diện tích cây xanh, bao gồm các khu rừng và đất trồng cây, chủ yếu do hoạt động nông nghiệp.

Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nắng nóng cực đoan và hạn hán cũng gây ra cháy rừng, thiêu rụi nhiều khu rừng rộng lớn ở Australia, Siberia và sâu trong khu vực Amazon. Tác giả báo cáo, bà Frances Seymour của Viện Tài nguyên thế giới nhận định những thiệt hại này phản ánh tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Đây không chỉ là khủng hoảng về hệ sinh thái, mà còn là thảm họa nhân đạo, tổn thất tiềm năng kinh tế.

Nghiên cứu đã đưa ra một số bằng chứng cho thấy các biện pháp hạn chế các nước áp dụng để phòng chống dịch COVID-19 cũng tác động đến xu hướng này trên toàn thế giới, khi làm tăng tỷ lệ khai thác bất hợp pháp do các khu rừng không còn được bảo vệ, hay có nhiều người trở về nông thôn. Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng hậu quả tồi tệ nhất sẽ xảy đến nếu các nước dừng công tác bảo vệ rừng vì mục đích kinh tế. Tuy nhiên, theo bà Seymour, "dấu hiệu xấu nhất" trong năm ngoái là việc các khu rừng trở thành nạn nhân của biến đổi khí hậu, theo đó các vùng đầm lầy vẫn đang cháy.

Theo nghiên cứu, cây cối và đất đai hấp thụ tới hơn 30% lượng carbon do các hoạt động ô nhiễm của con người thải ra mỗi năm, do đó việc các khu rừng nhiệt đới tiếp tục biến mất một cách nhanh chóng sẽ gây ra những thiệt hại không thể bù đắp cho hệ sinh thái của Trái Đất.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh việc phá hủy các khu rừng nguyên sinh nhiệt đới trong năm 2020 đã thải ra 2,64 tấn CO2, tương đương lượng khí thải hằng năm của Ấn Độ, hay của 570 triệu ô tô, hoặc gấp đôi lượng khí thải của toàn bộ xe đang lưu thông tại Mỹ.  Bà Seymour cảnh báo thế giới càng trì hoãn ngăn chặn nạn phá rừng, hay chậm thúc đẩy hướng tới mục tiêu trung hòa khí thải, thì nhiều khả năng các khu rừng tự nhiên hấp thụ CO2 trên Trái Đất sẽ biến mất hoàn toàn.

Tại Brazil, chính phủ đã cắt giảm ngân sách cho các chương trình môi trường, khiến nhiều vùng đất của Amazon bị khai thác tài nguyên và kinh doanh nông nghiệp, dẫn đến 1,7 triệu hecta rừng nguyên sinh bị phá hủy trong năm 2020, tăng 25% so với năm 2019. Trong khi đó, vùng đầm lầy nhiệt đới Pantanal, thiên đường của hệ sinh thái trải dài từ Brazil đến Bolivia, cũng hứng chịu nhiều trận hỏa hoạn. Bolivia là quốc gia có tỷ lệ phá rừng cao thứ ba trên thế giới trong năm 2020.

Indonesia là một điểm sáng khi giảm tỷ lệ phá rừng ở mức 17% so với năm 2019 và lần đầu tiên trong 20 năm thoát khỏi nhóm 3 nước có tỷ lệ phá rừng cao nhất trên thế giới. Tỷ lệ phá rừng tại Indonesia đã giảm 4 năm liên tiếp. Các nhà nghiên cứu nhận định thời tiết ẩm ướt vào năm ngoái, kết hợp với các chính sách của chính phủ, đã có tác động tích cực lâu dài đối với tình trạng phá hủy rừng nguyên sinh. 

Rừng bao phủ hơn 30% diện tích Trái Đất, trong khi rừng nhiệt đới là nơi sinh sống của 50-90% các sinh vật trên mặt đất. Đầu tuần này, nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Ecology & Evolution ước tính nhu cầu hàng hóa ngày càng tăng ở các nước giàu có đang làm tăng tốc độ phá rừng tại các khu vực nhiệt đới. Các nghiên cứu gần đây cảnh báo đến một ngưỡng nào đó, tình trạng phá rừng tại Amazon có nguy cơ làm thay đổi khí hậu của cả khu vực, biến rừng nhiệt đới thành thảo nguyên.

Đặng Ánh (TTXVN)
EU yêu cầu Brazil cam kết chống nạn phá rừng Amazona để cứu vãn thỏa thuận thương mại
EU yêu cầu Brazil cam kết chống nạn phá rừng Amazona để cứu vãn thỏa thuận thương mại

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 7/12, phái viên của Liên minh châu Âu (EU) tại Brazil, Đại sứ Ignacio Ybañez khẳng định, cho tới khi nào Brazil còn chưa cam kết ngăn chặn nạn phá rừng Amazon thì Hiệp định Tự do Thương mại giữa EU và khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) sẽ không thể được nghị viện các nước thành viên EU phê chuẩn để chính thức có hiệu lực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN