Quy trình kiểm phiếu bầu cử Mỹ năm nay có gì khác?

Ngày cuối cùng để bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 là vào 3/11. Nhưng công tác kiểm phiếu có thể kéo dài vài ngày, thậm chí vài tuần sau đó, khiến người dân Mỹ sẽ phải chờ đợi lâu hơn để biết người chiến thắng.

Chú thích ảnh
Cử tri bỏ phiếu sớm tại Miami ngày 18/8/2020. Ảnh: Bloomberg

Do số lượng phiếu bỏ qua thư trong mùa bầu cử này tăng cao kỷ lục, cộng với việc kiểm phiếu sẽ không thể bắt đầu cho đến tận Ngày Bầu cử tại hầu hết các bang, giới chức bầu cử trên khắp nước Mỹ có thể sẽ bị quá tải. Ngoài ra, hạn chót nhận phiếu qua thư cũng có thể được kéo dài qua ngày 3/11 ở một số bang. Tất cả có thể sẽ khiến nước Mỹ chậm trễ hơn khi công bố kết quả cuối cùng.

Dưới đây là cái nhìn tổng thể về quy trình kiểm phiếu bầu cử Mỹ.

Quy trình xử lý phiếu bầu

Đa số các bang sẽ chờ đến sáng Ngày Bầu cử 3/11 hoặc sau khi đóng cửa phòng bỏ phiếu mới tiến hành kiểm đếm. Hầu hết các quy định về kiểm phiếu vẫn không thay đổi trong năm nay mặc dù một số bang có điều chỉnh thời gian để giảm bớt sức ép từ việc kiểm số lượng phiếu gửi qua thư (phiếu vắng mặt) tăng mạnh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.  

Trước ngày 3/11, hoạt động bỏ phiếu vắng mặt đã diễn ra ở cả 50 bang. Việc xử lý các phiếu vắng mặt thường bao gồm các bước như: xé bỏ phong bì, xác nhận tư cách cử tri, khớp chữ ký và quét lá phiếu.

Một số bang đã cho phép đẩy sớm quá trình kiểm phiếu vắng mặt. Chẳng hạn, bang chiến địa Michigan có thể bắt đầu xử lý phiếu vào ngày 2/11, trước Ngày bầu cử tại các thành phố trên 25.000 dân.

Bang chiến địa Pennsylvania thông qua luật cho phép bắt đầu kiểm phiếu từ 7 giờ sáng Ngày Bầu cử, thay vì đợi đến khi đóng cửa phòng bỏ phiếu như mọi năm. Bang Florida còn cho phép kiểm phiếu bầu qua thư từ 22 ngày trước Ngày Bầu cử.

Chú thích ảnh
Nhân viên bầu cử chuẩn bị phiếu bầu qua thư trong mùa bầu cử 2020 trước khi kiểm đếm tại Linden, bang New Jersey. Ảnh: AP

Do các phiếu bầu qua thư mất nhiều thời gian để kiểm, các cử tri có thể sẽ không biết ai là nhà lãnh đạo mới của đất nước ngay trong đêm bầu cử 3/11.

“Nếu mất nhiều thời gian hơn để đưa ra kết quả trong cuộc bầu cử năm nay, thì đó không phải là vì hỗn loạn hay sai sót, mà vì việc kiểm đếm cần phải cẩn thận hơn”, chuyên gia Waldmand thuộc Trung tâm Pháp lý Brennan (Mỹ) cho biết.

Những thay đổi và thách thức về thời hạn chót của phiếu bầu qua thư

Ngày cuối cùng bỏ phiếu trực tiếp trong cuộc bầu cử năm nay là ngày 3/11. Những lá phiếu vắng mặt và phiếu gửi qua thư thường phải được nhận hoặc đóng dấu bưu điện muộn nhất là vào cùng ngày, tùy quy định của mỗi bang. Ở bang Washington, phiếu bầu qua thư được gửi đến vào ngày 23/11 vẫn có hiệu lực miễn là nó có dấu bưu điện vào 3/11.

Những thay đổi trong chính sách bầu cử năm nay được đưa ra do ảnh hưởng của dịch COVID-19, bao gồm việc kéo dài hạn chót nhận phiếu bầu vắng mặt tại một số bang, như Kentucky, Massachusetts, Mississippi, Minnesota, New Jersey. Ở Pennsylvania, vừa tuần trước Tòa án Tối cao Mỹ đã từ chối lật ngược phán quyết của Tòa án cấp dưới chấp nhận phiếu vắng mặt được chuyển đến vào hạn cuối là ngày 6/11. Ở Bắc Carolina, hạn chót nhận phiếu bầu, có đóng dấu bưu điện trước 17 giờ Ngày Bầu cử, được kéo dài tới 12/11.

Nhưng ở Wisconsin, sau một loạt các phán quyết trái ngược nhau về hạn chót nhận phiếu bầu vắng mặt, một tòa phúc thẩm của bang tuần trước đã khôi phục quy định theo thường lệ rằng rất cả các phiếu bầu chỉ được tính nếu chúng được gửi đến nơi muộn nhất là vào Ngày Bầu cử.

Chú thích ảnh
Mùa bầu cử năm nay tại Mỹ có một số thay đổi do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Ảnh: Getty Images

Xác nhận kết quả

Sau khi được thu thập, phiếu bầu sẽ được đếm, xác minh, sau đó được ghi nhận chính thức vào bảng kê để đưa ra kết quả cuối cùng.

Các bang cũng đặt ra những thời hạn cho việc ghi nhận và chứng nhận kết quả bầu cử. Những quy định này sẽ khác nhau tùy theo từng địa phương.

Theo trang Ballotpedia, có 6 bang sẽ phải xác nhận kết quả bầu cử trong vòng 1 tuần kể từ Ngày Bầu cử; 26 bang và thủ đô Washington D.C có thời hạn chót là từ 10-30/11; 14 bang có thời hạn chót là tháng 12, và 4 bang không quy định về thời hạn chót trong luật của bang mình.

Trong số các bang chiến địa, thời hạn chót xác nhận kết quả bầu cử là 11/11 ở Pennsylvania, ngày 1/12 với bang Nevada và ở Wisconsin, Texas là ngày 3/12.

Ngày cuối cùng để các bang giải quyết mọi tranh cãi liên quan đến kết quả bầu cử là 8/12, sau đó Cử tri đoàn sẽ tập trung lại ở mỗi bang vào ngày 14/12 để chính thức bỏ phiếu bầu tổng thống và phó tổng thống.

Thông thường, một tháng sau khi bỏ phiếu đại cử tri, Quốc hội Mỹ nhóm họp hai viện để tuyên bố người đắc cử. Nếu một ứng cử viên tổng thống nhận được 270 hoặc nhiều hơn số phiếu đại cử tri tổng thống, Quốc hội sẽ tuyên bố ứng cử viên đó là tổng thống đắc cử, và ứng cử viên Phó tổng thống nhận được 270 hay nhiều hơn số phiếu đại cử tri sẽ được tuyên bố là Phó tổng thống đắc cử.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo ABC News)
Bỏ phiếu trong lịch sử bầu cử Mỹ: Từ hét tên, phiếu đục lỗ đến màn hình cảm ứng
Bỏ phiếu trong lịch sử bầu cử Mỹ: Từ hét tên, phiếu đục lỗ đến màn hình cảm ứng

Từ việc hét tên các ứng cử viên, sử dụng phiếu đục lỗ có khi bị "dính", cho đến chạm vào màn hình điện tử, quá trình bỏ phiếu bầu cử đã trải qua một lịch sử lâu dài và đôi khi trắc trở ở Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN