Ngày 18/10 tại Moskva (Nga) đã diễn ra Hội thảo quốc tế lần thứ I về an ninh và hợp tác ở Biển Đông do Viện Đông Phương học – Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga tổ chức. Tham dự hội thảo có đại diện chính quyền, Quốc hội, Bộ Ngoại giao, giới nghiên cứu vấn đề an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Biển Đông của Nga và gần 20 quan chức, học giả đến từ Liên minh châu Âu, Mỹ, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore... Các phương tiện truyền thông lớn của Nga và quốc tế cũng tham dự đưa tin về sự kiện này.
Trong một ngày làm việc với 5 nhóm thảo luận, những người tham dự hội thảo đã tập trung phân tích vấn đề Biển Đông dưới các góc độ địa-chính trị, cơ sở lịch sử và pháp lý của tranh chấp lãnh thổ, nguy cơ đe dọa mất ổn định ở khu vực và đưa ra một số khuyến nghị giải quyết xung đột hiện nay.
Quang cảnh Hội thảo quốc tế Moskva về an ninh và hợp tác tại biển Đông do Viện Đông phương học – Viện hàn lâm khoa học LB Nga tổ chức tại Moskva ngày 18/10/2013. |
Phát biểu tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ kế hoạch đối ngoại Bộ Ngoại giao Nga Alexandr Tokovinin kêu gọi các bên tranh chấp kiềm chế, tránh sử dụng vũ lực và giải quyết vấn đề tuyệt đối chỉ bằng biện pháp chính trị-ngoại giao, trong đó cơ sở quan trọng để áp dụng là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Ông Alexandr Tokovinin nhấn mạnh Nga quốc gia Á-Âu và rất quan tâm đến việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực; Nga mong muốn cùng các đối tác thành lập một cấu trúc an ninh chung, tin cậy tại châu Á và đang tích cực thúc đẩy tiến trình này.
Phó chủ tịch Duma quốc gia (Hạ viện Nga) Nikolai Levichev bày tỏ quan ngại trước việc xung đột ở Biển Đông trong tương lai gần có thể phát triển thành một điểm nóng, cho rằng điều quan trọng các bên liên quan cần làm hiện nay là không để xung đột tiếp tục leo thang. Ông Levichev đánh giá cao vai trò của các chuyên gia quốc tế và Nga tham gia hội thảo đã góp phần làm sáng tỏ tình hình an ninh ở Biển Đông và đóng góp ý kiến cùng với các nhà lập pháp, ngoại giao và lãnh đạo các nước liên quan tìm kiếm giải pháp cho những tranh chấp, mâu thuẫn ở khu vực.
Ông Vitaly Naumkin, Viện trưởng Viện Đông phương học đánh giá an ninh tại châu Á
là một chủ đề lớn, thu hút sự quan tâm sát sao của dư luận quốc tế, trong đó có
Nga. Nga mong muốn các bên tranh chấp cùng nhau vượt qua thách thức nhằm kiến tạo một môi trường hòa bình, hữu nghị và hợp tác ở khu vực.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
|
Các chuyên gia tham dự hội thảo nhất trí cho rằng Việt Nam đã thể hiện lập trường xây dựng, nhất quán ủng hộ việc giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình, kiên trì kêu gọi các bên liên quan xây dựng “lộ trình” thống nhất và mang giá trị pháp lý cao hơn để giải quyết tranh chấp như thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Đề nghị hết sức kịp thời của Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra tại Đối thoại Shangri-la lần thứ 12 vào tháng 6 vừa qua về việc loại bỏ các biện pháp sử dụng vũ lực nhằm giải quyết xung đột và làm tất cả để đạt được bầu không khí hòa bình hữu nghị và tin tưởng lẫn nhau cũng nhận được sự đồng tình cao của hội nghị.
Các nhà nghiên cứu quốc tế nhấn mạnh, hòa bình và ổn định chỉ được đảm bảo trên cơ sở nỗ lực và thiện chí của tất cả các bên liên quan. Trong đó, lòng tin, sự nhượng bộ lẫn nhau và cam kết không sử dụng vũ lực trong bất luận trường hợp nào đóng vai trò hết sức quan trọng; mọi tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết thông qua thương lượng hòa bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển đối với với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Về tương lai giải quyết vấn đề biển Đông, các chuyên gia cho rằng các bên liên quan cần chấm dứt mọi hoạt động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giữ nguyên hiện trạng, khôi phục lại lòng tin và nghiên cứu đưa ra một chương trình nghị sự mới, đáp ứng tốt hơn lập trường của các bên, trước mắt cần sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và tuyệt đối tuân thủ các thỏa thuận đã được ký kết.
Hội nghị cũng nhận định, tiến trình giải quyết vấn đề biển Đông phụ thuộc phần lớn vào lập trường và thiện chí của Trung Quốc. Trong đó, một trong những giải pháp tháo gỡ nút thắt là Trung Quốc phải công nhận chủ quyền hợp pháp của Việt Nam và các nước liên quan ở biển Đông, thay vì đơn phương phủ nhận hoàn toàn như hiện nay. Nếu Trung Quốc thực hiện bước đi này, thế bế tắc hiện nay sẽ được tháo gỡ và mở ra bầu không khí thuận lợi hơn để tiến tới giải quyết vấn đề một cách công bằng, hợp lý.
Cao Cường (Phóng viên TTXVN tại Nga)