Quốc hội Mỹ cản trở kế hoạch cải tổ IMF

Chính quyền Tổng thống Barack Obama và ban lãnh đạo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 14/1 cùng bày tỏ sự thất vọng khi Quốc hội Mỹ từ chối phê duyệt ngân sách 63 tỷ USD đóng góp cho IMF trong ngân sách tài khóa 2014 mới đưa ra. Quyết định này sẽ cản trở kế hoạch cải tổ đã được thông qua từ hơn 3 năm trước của thể chế tài chính lớn nhất thế giới này.

Trụ sở của IMF.


Tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ khẳng định Washington vẫn giữ vững các cam kết thực thi cải cách của IMF và đang cân nhắc các giải pháp để sớm giành được sự ủng hộ của các cơ quan lập pháp. Tuyên bố của bộ trên nhấn mạnh các cam kết này đóng vai trò then chốt đảm bảo vai trò lãnh đạo và tầm ảnh hưởng của Mỹ tại thể chế này.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc IMF, bà Christine Lagarde, cũng chia sẻ sự thất vọng của mình. Tuy nhiên, bà bày tỏ hy vọng chính quyền của Tổng thống Obama sẽ sớm thuyết phục được Quốc hội Mỹ ủng hộ kế hoạch cải tổ của IMF.

Các phản ứng trên của Nhà Trắng và IMF được đưa ra sau khi Quốc hội lưỡng viện Mỹ từ chối thông qua ngân sách đóng góp của Mỹ cho thể chế tài chính đa phương này để triển khai chương trình cải tổ tổng thể. Giới chuyên gia nhận định điều này sẽ khiến tổ chức gồm 188 thành viên này thiếu hụt ngân sách và cản trở tiến trình tăng quyền hạn của các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới, trong đó có Trung Quốc. Lý do các nhà lập pháp tại Đồi Capitol đưa ra là dù đóng góp cho IMF của Mỹ không tăng, song 63 tỷ USD không phải là một vấn đề đơn giản.

Ngày 15/12/2010, ban lãnh đạo của IMF đã thông qua một một gói các cải cách sâu rộng về hoạt động, cơ cấu bỏ phiếu và quản trị của quỹ, theo đó, tăng gấp đôi ngân quỹ cho vay của thể chế này lên khoảng 733 tỷ USD để hỗ trợ các nước gặp khó khăn về tài chính. Các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil cũng được tăng quyền hạn trong thể chế này.

Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ không ủng hộ những bước đi này và ngăn cản bằng việc "treo" đề xuất của chính quyền Obama chuyển khoản ngân sách 63 tỷ USD hiện Washington đóng góp hàng năm cho quỹ tín dụng khẩn cấp của IMF vào ngân sách hoạt động cố định của thể chế này. Điều này khiến IMF chưa thể triển khai kế hoạch cải tổ của mình.

Hiện Mỹ vẫn là "cổ đông" đóng góp tài chính lớn nhất tại IMF và có quyền phủ quyết các quyết định của thể chế này.


TTXVN/Tin tức

Thái Lan bác kêu gọi từ bỏ trợ giá gạo của IMF
Thái Lan bác kêu gọi từ bỏ trợ giá gạo của IMF

Giới chức kinh tế Thái Lan ngày 13/11 đã phản đối gợi ý đưa ra một ngày trước đó của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kêu gọi nước này từ bỏ chương trình trợ giá gạo mà theo IMF sẽ hủy hoại niềm tin đối nền tài chính của quốc gia Đông Nam Á này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN