Lực lượng trung thành với Chính phủ đoàn kết dân tộc của Libya giao chiến với phiến quân IS tại Sirte ngày 28/8. Nguồn: AFP/TTXVN |
Người phát ngôn Quốc hội, ông Abdullah Bilhag cho biết Quốc hội đã nhất trí chỉ định Uỷ ban đối thoại liên lạc với quân đội và chính phủ lâm thời, đồng thời yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức tại Warshaffana.
Theo ông Bilhag, trong phiên họp ngày 7/11, Quốc hội ở miền Đông cũng đã cho phép Cơ quan an ninh và Lực lượng vũ trang Libya theo dõi hồ sơ của những người bị truy nã tại vùng Warshaffana.
Trong khi đó, từ tuần trước, thành phố Aziziya, cách thủ đô Tripoli 30 km về phía Nam, đã chứng kiến các hoạt động quân sự do lực lượng của chính phủ được Liên hợp quốc hậu thuẫn tiến hành để “loại trừ tội phạm trong khu vực”. Một nguồn tin quân sự cho biết hiện các lực lượng chính phủ đã kiểm soát vùng ngoại ô phía Nam thành phố, buộc các nhóm vũ trang đối địch trong khu vực này lùi sâu vào trong thành phố.
Thủ tướng Fayez al-Serraj của Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận đã nhấn mạnh rằng chính phủ sẽ tăng cường hành động để xóa bỏ các hoạt động xung đột vũ trang tại khu vực này.
Libya chìm vào bất ổn kể từ sau làn sóng nổi dậy năm 2011 lật đổ cố lãnh đạo Moammar Gadhafi. Nước này bị chia cắt thành hai miền Đông-Tây với các cơ quan lập pháp và chính phủ tồn tại song song, có quân đội riêng và hoạt động theo các khuôn khổ chính trị đối lập. Cuối tháng 7 vừa qua, nhờ những nỗ lực hòa giải của cộng đồng quốc tế, Thủ tướng Serraj đứng đầu GNA đại diện cho chính quyền miền Tây đã gặp Tướng Khalifa Haftar chỉ huy quân đội ở miền Đông, tại Paris (Pháp). Hai bên ký kết thỏa thuận ngừng bắn đồng thời nhất trí cùng ngồi lại làm việc về các cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội.
Tháng 9 vừa qua, phái viên LHQ về Libya Ghassan Salame đã đề xuất một lộ trình cho Lilya, theo đó tổ chức một hội nghị toàn quốc do LHQ bảo trợ với sự tham gia của tất cả các phái chính trị Libya, thông qua hiến pháp và tiến hành bầu cử tổng thống và quốc hội. Kế hoạch hành động này nhằm chấm dứt tình trạng khủng hoảng chính trị hiện nay tại quốc gia Bắc Phi này.