Với sự ủng hộ của hầu hết nghị sĩ đảng Bảo thủ cầm quyền và Công đảng đối lập, ông Sunak giành thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu về “cơ chế phanh Stormont” - một nội dung quan trọng của thỏa thuận Khuôn khổ Winsor, theo đó các thành viên Quốc hội Bắc Ireland được quyền phản đối các quy định mới của EU áp dụng cho khu vực.
Hai cựu Thủ tướng Boris Johnson và Liz Truss nằm trong số 23 nghị sĩ đảng Bảo thủ phản đối thỏa thuận mới, cùng với 6 nghị sĩ thuộc đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) - chính đảng lớn nhất tại Bắc Ireland ủng hộ khu vực nằm trong Vương quốc Anh.
Khuôn khổ Winsor được Anh và EU công bố ngày 27/2 nhằm giải quyết những bất đồng kéo dài giữa hai bên về Nghị định thư Bắc Ireland liên quan tới các quy định thương mại áp dụng cho khu vực thời kỳ hậu Brexit, gây căng thẳng cho quan hệ song phương, đồng thời khiến chính trị tại khu vực rơi vào bế tắc do DUP từ chối tham gia cơ quan điều hành chia sẻ quyền lực để phản đối Nghị định thư.
Trong khi đó, DUP cùng ngày phát tín hiệu rằng đảng này không từ bỏ ý định tẩy chay việc tham gia cơ quan điều hành chia sẻ quyền lực tại Bắc Ireland. Lãnh đạo DUP - ông Jeffrey Donaldson - cho biết thỏa thuận Brexit mới giữa Anh và EU "không đưa ra cơ sở bền vững trong giai đoạn này" để DUP tham gia trở lại cơ quan chia sẻ quyền lực, nhấn mạnh đảng của ông sẽ bỏ phiếu về thỏa thuận và tiếp tục phối hợp với chính quyền để làm rõ về thỏa thuận này.
Với lập trường này của DUP, nhiều khả năng Bắc Ireland sẽ chưa có cơ quan điều hành chia sẻ quyền lực trong tháng 4 vào dịp kỷ niệm 25 năm ký thỏa thuận Thứ Sáu tốt lành chấm dứt nhiều năm xung đột tại khu vực. Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ thăm Belfast để kỷ niệm sự kiện này.