Đài Sputnik dẫn lời tỷ phú nổi tiếng người Anh Guy Hands mới đây tuyên bố rằng Brexit đã đẩy Anh vào tình trạng tương tự như “suy giảm tuổi già” và đảo quốc sương mù sẽ bị các nước châu Âu khác bỏ xa trong tương lai không xa.
Ông Hands, Chủ tịch Terra Firma (công ty cổ phần tư nhân hàng đầu châu Âu), đã đưa ra nhận xét trên qua một kênh podcast của Anh vào ngày 19/5. Ông Hands dự đoán rằng vào năm 2030, Anh sẽ bị Ba Lan vượt qua về sự giàu có. Hiện tại, khi được điều chỉnh theo sức mua tương đương, tổng sản phẩm quốc nội trên đầu người của Ba Lan là 28.200 bảng so với 35.000 bảng của Vương quốc Anh.
“Tôi nhìn vào nước Anh và thấy rằng, vào năm 2030, Ba Lan sẽ mạnh hơn chúng ta", ông Hands dự đoán và nói thêm: "Vào năm 2040, chúng ta sẽ là người nghèo ở châu Âu".
Chuyên gia Hands cho rằng Anh lẽ ra không bao giờ nên rời Liên minh châu Âu (EU) trong sự kiện Brexit, đồng thời phàn nàn rằng các chính trị gia Anh không nói gì về khả năng quay trở lại.
Vị tỷ phú cho biết Brexit đã đẩy Anh trở lại những năm 1970, thời điểm đất nước đầy rối ren với nạn lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp cao, mất điện thường xuyên, cộng với những cuộc đình công liên tiếp.
Tuy nhiên, ông Hands cũng nhận thấy một số lợi ích của Brexit và nói rằng Anh nên tận dụng cơ hội này để cải cách luật lao động “cực kỳ phức tạp” của mình. Ông tuyên bố luật này là một “cơn ác mộng” so với các nước châu Âu khác.
“Hiện tại, Anh chỉ có hai lựa chọn nếu muốn cạnh tranh trên trường thế giới. Hoặc họ phá bỏ phần lớn những gì mà các đảng chính trị đã dành 30 năm để xây dựng, hoặc quay trở lại châu Âu", chuyên gia Hands bình luận.
Ông cũng phàn nàn rằng kể từ khi Anh rời EU, nước này vẫn “không mất đi bộ máy quan liêu đó, mà còn tăng lên”.
Tuyên bố của ông Hands phản ánh các dự báo gần đây của Công đảng, cho rằng Ba Lan sẽ vượt qua Anh về sự thịnh vượng kinh tế vào năm 2030, và Hungary và Romania cũng sẽ vượt qua London vào năm 2040.
Keir Starmer, lãnh đạo Công đảng Anh, bày tỏ: “Tôi không thoải mái với điều đó, không thoải mái với quỹ đạo mà Anh sẽ sớm bị Ba Lan vượt qua".
Theo tờ Telegraph, sau khi "Bức màn sắt" sụp đổ, Ba Lan là quốc gia thuộc Liên Xô cũ đầu tiên khôi phục thị trường tự do. Tuy nhiên, vào năm 1989, người dân Ba Lan có GDP bình quân đầu người chỉ bằng 1/10 so với người Đức.
Ba thập kỷ tăng trưởng ổn định đã tạo nên một điều kỳ diệu. Khoảng cách kinh tế đã được thu hẹp đáng kể. Được điều chỉnh theo sức mua tương đương, GDP bình quân đầu người ở Ba Lan hiện là 28.200 bảng so với 35.000 bảng ở Anh, 34.200 bảng ở Pháp và 39.800 bảng ở Đức. Với tốc độ quỹ đạo hiện tại, Ba Lan sẽ vượt qua Anh vào năm 2030 - theo bài viết đăng hồi đầu tháng 5 trên tờ Telegraph (Anh).
Tờ báo cho rằng, Ba Lan đang trên đà trở nên giàu có hơn Anh vào năm 2030 nhờ phép màu kinh tế. Đất nước này đã trở thành một điểm nóng cho các ngành công nghiệp hướng tới tương lai như sản xuất pin và công nghệ.
Warsaw đang sử dụng sức mạnh kinh tế này để biến đất nước thành một lực lượng chiến đấu mạnh mẽ. Kế hoạch của Warsaw là tăng gấp đôi quy mô quân đội lên 300.000 binh sĩ, được trang bị những vũ khí mới nhất của phương Tây.
Ba Lan đang chi khoảng 10 tỷ đô la cho các hệ thống pháo HIMARS do Mỹ sản xuất và đang hoạt động ở Ukraine. Ngoài ra, nước này đang trang bị phi đội máy bay F-35 Lightning II và 116 xe tăng Abrams, thay thế các máy bay chiến đấu MiG và xe tăng T-72 từ thời Liên Xô đang được chuyển giao cho Ukraine.
Tất cả phần cứng quân sự này đều có giá cao. Ba Lan đã tăng chi tiêu quốc phòng lên 4% GDP trong năm nay, từ mức 2,5% vào năm ngoái. Điều này đưa mức chi tiêu quốc phòng của Warsaw trở thành một trong những mức lớn nhất ở NATO.
Nó cũng có nghĩa Ba Lan có thể sớm sở hữu khả năng chiến đấu trên bộ lớn nhất và tốt nhất trong tất cả các thành viên châu Âu của NATO. Ngay cả Pháp, chỉ với khoảng 200.000 quân thường trực, cũng có thể sớm bị Ba Lan vượt qua.