Theo tờ Politico, sau cuộc họp trực tuyến với Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine ngày 15/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã nhấn mạnh tính cấp bách: “Ukraine không có thời gian để lãng phí… Chúng ta phải thực hiện nhanh chóng và đầy đủ các cam kết đã hứa. Điều đó gồm đưa thiết bị bọc thép tới chiến trường và đảm bảo đào tạo các binh sĩ Ukraine, cung cấp phụ tùng thay thế và hỗ trợ bảo trì để họ sử dụng các hệ thống mới này càng sớm càng tốt”.
Khi mùa xuân đến gần, các quan chức Mỹ ngày càng lo ngại khi Ukraine đang thiếu thốn mọi thứ, từ nguồn cung cấp đạn dược, hệ thống phòng không và binh sĩ có kinh nghiệm.
Hiện tại, Nga và Ukraine đang tiếp tục giành giật thành phố Bakhmut mà Mỹ coi là không có tầm quan trọng chiến lược. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc nói rằng cho dù chiến lược của Ukraine là gì thì Mỹ vẫn muốn binh lính Ukraine có vũ khí họ cần để tiếp tục chiến đấu.
Trong nhiều tháng qua, Nga đã tấn công Ukraine bằng tên lửa, tìm cách không chỉ phá hủy mà còn làm cạn kiệt kho vũ khí phòng không của Ukraine. Các binh sĩ Ukraine đang thiếu đạn dược cơ bản trầm trọng, gồm cả đạn súng cối và đạn pháo. Mỹ ước tính 100.000 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng hoặc bị thương trong cuộc chiến kéo dài một năm qua, kể cả những binh sĩ giàu kinh nghiệm nhất.
Trong bối cảnh đó, các quan chức Mỹ tập trung hơn vào giúp Ukraine sẵn sàng cho cuộc phản công lớn vào mùa xuân, có thể diễn ra trong tháng 5. Hàng trăm xe tăng và xe bọc thép của phương Tây đang trên đường tới Ukraine để chuẩn bị cho cuộc tấn công. Các đối tác của Mỹ và châu Âu cũng đang cung cấp một lượng lớn đạn dược và đạn pháo loại 155mm – loại mà Ukraine đã xác định là nhu cầu cấp thiết nhất của mình.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết: “Các gói viện trợ của Mỹ từ 4 đến 5 tháng trước đã hướng tới những gì Ukraine cần cho cuộc phản công này”.
Các nhà lãnh đạo Lầu Năm Góc cho biết rằng vũ khí và huấn luyện mà phương Tây cung cấp sẽ giúp Ukraine giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley phát biểu: “Có một nỗ lực đáng kể đang diễn ra nhằm xây dựng quân đội Ukraine về trang thiết bị, đạn dược và huấn luyện ở nhiều quốc gia khác nhau nhằm giúp Ukraine có thể tự vệ. Năng lực Ukraine được tăng cường sẽ giúp giới lãnh đạo Ukraine xây dựng và thực hiện nhiều lựa chọn khác nhau trong tương lai, để đạt được các mục tiêu của mình và đưa cuộc xung đột này đi đến hồi kết thành công”.
Vào tháng 2, trên 600 người Ukraine đã hoàn thành chương trình huấn luyện kéo dài 5 tuần ở Đức, gồm các kỹ năng cơ bản, đào tạo về y tế và hướng dẫn về sử dụng vũ khí, xe chiến đấu Bradley và xe bọc thép chở quân Stryker do Mỹ sản xuất. Những lực lượng đó đã trở lại chiến trường và đợt thứ hai gồm hàng trăm binh sĩ bổ sung đang trải qua chương trình huấn luyện.
Trong khi đó, các quan chức Mỹ đã thúc giục Ukraine tiết kiệm đạn pháo. Đây là một mối quan tâm đặc biệt ở Bakhmut, nơi cả hai bên đang sử dụng đạn dược với tốc độ chóng mặt. Trung tướng đã nghỉ hưu Ben Hodges, cựu chỉ huy Lực lượng Lục quân Mỹ ở châu Âu, nhận định: “Một số người ở Lầu Năm Góc nghĩ rằng Ukraine đang dùng đạn dược quá nhanh. Tuy nhiên, Ukraine đang trong một cuộc chiến lớn”.
Hiện nay, các quan chức Mỹ nói Ukraine vẫn chưa đưa ra được một chiến lược nào, nhưng về cơ bản họ có hai lựa chọn: tiến về phía Nam qua Kherson vào Crimea, hoặc di chuyển về phía Đông từ vị trí phía Bắc rồi sau đó về phía Nam, cắt đứt cây cầu nối đất liền của Nga. Các quan chức nhận định lựa chọn đầu tiên là không thực tế vì Nga đã triển khai các biện pháp phòng thủ ở bờ Đông sông Dnipro và Ukraine không có nhân lực để thực hiện chiến dịch đổ bộ thành công chống lại lực lượng đó. Theo họ, lựa chọn thứ hai có nhiều khả năng hơn.
Ngoài việc gửi vũ khí và huấn luyện, các tướng lĩnh cấp cao Mỹ đã cùng các quan chức quân đội Ukraine tới Wiesbaden (Đức) trong tháng này để tham gia một loạt cuộc diễn tập thảo luận nhằm hỗ trợ Ukraine trong giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến.
Vào tháng trước, Tổng thống Joe Biden đã bác bỏ gửi máy bay chiến đấu F-16 và các quan chức cấp cao Mỹ đã nhiều lần nói rằng những chiếc máy bay này hiện không phù hợp với Ukraine. Tuy nhiên, phía Mỹ đang nghiên cứu những cách khác để tăng cường lực lượng không quân Ukraine.
Hai phi công Ukraine gần đây đã kết thúc một cuộc đánh giá tại Arizona để các giảng viên quân sự Mỹ nắm bắt xem họ cần đào tạo gì để sử dụng tốt hơn các máy bay và vũ khí mà phương Tây đã cung cấp.
Lắp tên lửa không đối không tầm trung mở rộng trên máy bay MiG thời Liên Xô, nếu thành công, cũng có thể tăng đáng kể khả năng của các phi công chiến đấu Ukraine trong tiêu diệt tên lửa Nga.