Ông Netanyahu đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc tái tranh cử nhờ thành công của chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Israel. Thủ tướng Netanyahu còn đề nghị khen thưởng những người tiêm vaccine và phạt những trường hợp từ chối.
Israel đã tiêm liều vaccine COVID-19 đầu tiên cho một nửa dân số 9,3 triệu người. Trái ngược với cảnh chờ đợi mòn mỏi ở châu Âu và Mỹ, vaccine tại Israel hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu trong nước. Các phòng khám thậm chí còn cung cấp đồ ăn và cà phê miễn phí để thu hút những người còn ngần ngại tiêm vaccine.
Nỗ lực của Thủ tướng Netanyahu đã có hiệu quả và số ca mắc COVID-19 mới cũng như những trường hợp mắc bệnh nghiêm trọng đều đã giảm. Điều góp phần tạo điều kiện để chính phủ Israel ngày 21/2 nới lỏng một số hạn chế và cho phép các cửa hàng, trung tâm thương mại, trường học… hoạt động trở lại sau 2 tháng phong tỏa. Dự kiến trong những tuần tới, tất cả các trường học và nhà hàng đều mở cửa trở lại, khớp thời gian với cuộc bầu cử ngày 23/3.
Thủ tướng Netanyahu ngày 21/2 còn tiết lộ về chương trình “thẻ xanh” cho phép những người đã tiêm vaccine COVID-19 được dự sự kiện văn hóa, xuất cảnh và tới nhà hàng, đến phòng tập… Những dịch vụ này vẫn hạn chế đối với những người chưa tiêm vaccine COVID-19.
Ông Gideon Rahat tại Đại học Hebrew (Israel) nhận xét: “Thời điểm là lợi thế của Thủ tướng Netanyahu”. Cũng theo dự đoán của ông Rahat, Thủ tướng Netanyahu sẽ tập trung đề cập về vaccine COVID-19, trong khi đối thủ sẽ nhắm đến các thất sách của nhà lãnh đạo này trong những năm qua.
Hàng trăm nghìn người Israel đã mất việc và không thể hoạt động kinh doanh do thời gian phong tỏa vì dịch COVID-19. Cộng đồng người Do Thái Ultra Orthodox (nhánh bảo thủ của Do Thái giáo) – một trong những đồng minh chính trị then chốt của Thủ tướng Netanyahu – đã bất bình về các biện pháp phong tỏa. Nhiều ý kiến cho rằng ông Netanyahu đã đóng cửa các sân bay chính quá chậm khiến biến thể virus SARS-CoV-2 lây lan, “tấn công” cả những người chưa tiêm vaccine.
Nhiều quan chức Liên hợp quốc và tổ chức nhân quyền đã chỉ trích Israel vì đẩy người Palestine ra khỏi chương trình tiêm vaccine ở Bờ Tây và Dải Gaza. Những ý kiến chỉ trích cho rằng Israel nên chịu trách nhiệm tiêm cho người Palestine tại những khu vực trên. Trong khi đó, phía Israel lập luận rằng dựa trên các thỏa thuận hòa bình tạm thời thì Tel Aviv không chịu trách nhiệm phân phối vaccine cho họ.