Trong bối cảnh hải quân thế giới tăng cường siết chặt thòng lọng quanh các khu vực cướp biển Xômali hoành hành trên Ấn Độ Dương, quốc đảo Xâysen yên bình bỗng trở nên quá tải bởi lượng hải tặc bị bắt dồn tới đây. Chính quyền đảo quốc này đang khẩn thiết kêu gọi sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế.
Cướp biển Xômali bị hải quân Anh bắt giữ và chuyển giao cho Xâysen. Ảnh Internet. |
Quần đảo nhỏ bé, với những bãi biển hoang sơ và làn nước trong vắt Xâysen nằm giữa một vùng biển nổi tiếng hay bị hải tặc tấn công. Các lực lượng canh gác bờ biển Xâysen đã phải làm việc hết công suất để bảo vệ những con tàu có nguy cơ bị cướp. “Lực lượng biên phòng bờ biển của Xâysen không thể đảm bảo vùng biển an toàn, chúng tôi cần các lực lượng phối hợp. Chúng tôi thực sự cần các đối tác quốc tế giúp đỡ”, chỉ huy lực lượng bờ biển Georges Adeline phát biểu với AFP.
Nhưng vấn đề không chỉ ở việc triển khai lực lượng trên biển, mà trên đất liền, Xâysen cũng đang khổ sở với gánh nặng tù nhân cướp biển mà họ phải tiếp nhận bất đắc dĩ. Các lực lượng hải quân nước ngoài bắt giữ hải tặc ngoài khơi Xâysen và chuyển giao chúng cho nhà chức trách nước này. Do không đủ sức để truy tố và giam giữ quá đông những tên cướp biển bị kết án, nhà chức trách Xâysen buộc phải sớm trả tự do cho bọn chúng. Và thế là xảy ra một cái vòng luẩn quẩn.
Tại một hội nghị về Xômali ở Luân Đôn hồi tháng 2 vừa qua, các nhà lãnh đạo thế giới đã nhấn mạnh cần phải chấm dứt thông lệ lâu nay: cướp biển bị bắt giữ rồi lại được trả tự do. Tuy nhiên, đại diện Xâysen cho biết họ không thể chịu nổi gánh nặng về truy tố và giam cầm những tên hải tặc bị bắt.
“Họ là một quốc gia nhỏ và thực sự bị quá tải trong cuộc chiến chống cướp biển”, ông Matthew Forbes, cao ủy Anh quốc về Xâysen tỏ ra thông cảm và cho biết: “Hải quân Anh và các nước khác đang giúp rà soát vùng biển để triệt hạ cướp biển, hiện nay các máy bay do thám của NATO, Ấn Độ và EU cũng tham gia”.
Cuộc chiến tranh kéo dài 2 thập kỷ qua đã tàn phá và xé nát Xômali. Quốc gia này rơi vào tình trạng gần như vô chính phủ và nạn cướp biển càng trở nên dữ dội do khủng hoảng kinh tế xã hội.
Theo số liệu của Trung tâm Thông báo Cướp biển IMB, các nhóm cướp đến từ các quốc gia khu vực Sừng châu Phi đã tiến hành tới 237 vụ tấn công, chiếm hơn một nửa số vụ cướp biển trên thế giới trong năm 2011.
Một nửa số cướp biển người Xômali bị giam giữ tại Xâysen là do lực lượng bờ biển Xâysen bắt giữ. Tại nhà tù Mahe bé nhỏ, có tới 82 tên cướp biển người Xômali, chiếm tới trên 20% tổng số tù nhân. Đa số bọn chúng mới chỉ là những thanh niên ngoài 20 tuổi và tất cả đều không thừa nhận tham gia hải tặc cũng như tàng trữ vũ khí. “Cướp biển ư? Không, không, tôi là ngư dân! Tôi câu cá ngừ”, người đàn ông tên Somali Ali, 50 tuổi, bị kết án 6 năm tù vì tội cướp biển, nhất định kêu vô tội.
Nhà tù Mahe được khánh thành 4 năm trước nhằm đáp ứng số lượng cướp biển bị bắt ngày càng tăng. Tù nhân khét tiếng nhất của Mahe, biệt danh “Joe 6 ngón”, bị hải quân Anh bắt giữ hồi tháng 1/2012 cùng với 13 tên hải tặc khác, trên một chiếc tàu có cả súng phóng lựu. “Nhiều tên tự nhận mình là ngư dân và giấu súng ngay khi lực lượng bờ biển ập tới. Nhưng các máy bay đã chụp được ảnh vũ khí của bọn chúng, nên các “ngư dân” này vẫn có thể bị truy tố”, ông Forbes cho biết.
Chính phủ Anh đã cử cả sĩ quan an ninh và luật sư tới Xâysen để hỗ trợ huấn luyện và tố tụng. Trong khi đó, Liên hợp quốc đang xây dựng một nhà tù ở Xômali để những tên cướp bị bắt có thể thụ án ngay trên quê nhà. “Xâysen đang chịu gánh nặng tù nhân cướp biển, nhưng vào cuối tháng tới, một nhóm tù nhân Xômali sẽ được dẫn độ về nước. Đây là lần đầu tiên cướp biển bị dẫn độ về thụ án tại Xômali”, ông Forbes nói.
Với sự hỗ trợ của quốc tế, chính phủ Xâysen hiện đang thiết lập một trung tâm tình báo chống cướp biển, cho phép Interpol, Mỹ và các nước khác sử dụng để truy tìm nguồn cấp tài chính cho các lực lượng hải tặc. Mục đích là tìm ra kẻ đang cung cấp thuyền, động cơ và vũ khí cho những thanh niên nghèo đang bị nhét chật các nhà tù của Xâysen.
“Chúng ta biết rằng, thủ phạm thực sự không phải là các ngư dân nghèo, mà là những kẻ đang cấp tiền cho hoạt động cướp biển. Những tên cướp ở trong tù chỉ là một nhóm nhỏ nếu so với những kẻ hưởng thụ tiền chuộc, sống ung dung tại các thành phố lớn”, người phát ngôn Tổng thống Xâysen, James Michel, tuyên bố.
Thu Hằng (Theo AFP)