Nông dân Varghese Tharakkan tại Thrissur, bang Kerala chia sẻ: “Có rất nhiều đơn đặt hàng từ nước ngoài… Mối quan tâm của quốc tế đối với mít đã tăng gấp nhiều lần”.
Mít chưa chín thường được chiên, áp chảo hoặc dùng để chế biến cùng món cari, thịt xay. Ở các nước phương Tây, mít trở thành món phổ biến thay thế cho thịt lợn và còn được sử dụng để làm pizza. Nhiều người ăn chay coi mít là món ăn thích hợp để thay thế thịt.
Lo ngại về sức khỏe con người và môi trường, Liên hợp quốc trong năm 2019 cho rằng việc áp dụng chế độ ăn chay có thể giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu. Do vậy, thịt giả đang thu hút người tiêu dùng tại nhiều nước phương Tây. Bên cạnh đó là sự trỗi dậy của đậu phụ, mít.
Nhiều nhà nghiên cứu nhận định mít có thể là thực phẩm dinh dưỡng phổ biến trong tương lai bởi loài cây này có thể chịu hạn và không cần chăm bón kỹ càng.
Ông James Joseph người Ấn Độ đã nghỉ việc tại Microsoft sau khi thấy tiềm năng của mít và thành lập công ty Jackfruit 360. Công ty này bán bột mít, sản phẩm có thể dùng để thay thế bột mì và bột gạo để làm các loại bánh…
Ông James Joseph còn hợp tác với đơn vị nghiên cứu của Đại học Sydney (Australia) và nhận định nguồn dinh dưỡng của mít còn tốt hơn gạo đối với người muốn kiểm soát lượng đường huyết.
Theo tạp chí y học The Lancet, Ấn Độ là quốc gia có tỷ lệ mắc tiểu đường cao nhất thế giới và dự báo đến năm 2030, sẽ có khoảng 100 triệu trường hợp mắc căn bệnh này.
Giáo sư kinh tế S. Rajendran tại Viện Nông thôn Gandhigram cho biết tính riêng tại hai bang Tamil Nadu và Kerala, nhu cầu về mít đã ở mức 100 tấn mỗi ngày và thu về 19,8 triệu USD/năm.
Tuy nhiên, hiện nay Ấn Độ cũng phải đối mặt với cạnh tranh từ những quốc gia khác như Thái Lan và Bangladesh.