Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc họp báo. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo tờ Politico ngày 24/7, hàng trăm người dân đã xuống đường biểu tình tại thủ đô Kiev cùng nhiều thành phố khác như Lviv, Odesa và Dnipro nhằm phản đối đạo luật mới. Luật này trao quyền kiểm soát Cục Chống tham nhũng quốc gia (NABU) và Văn phòng Công tố viên Chống tham nhũng (SAP) cho Tổng Công tố - một vị trí do chính phủ bổ nhiệm.
Giới lập pháp đối lập và các tổ chức xã hội dân sự cảnh báo rằng quy định mới có thể làm suy yếu cơ chế giám sát độc lập, nhất là khi hai cơ quan chống tham nhũng đang điều tra một số quan chức cấp cao liên quan tới chính quyền. Một cựu bộ trưởng Ukraine nhận xét: “Thông điệp hiện nay rất rõ ràng: nếu không đứng về phía Tổng thống Zelensky, bạn sẽ bị coi là thân Nga.”
Trong cuộc họp báo, ông Semen Kryvonos (Giám đốc NABU) cho rằng hệ thống chống tham nhũng của Ukraine đã bị làm tê liệt sau khi 263 nghị sĩ bỏ phiếu thông qua đạo luật gây tranh cãi. Ông cũng tiết lộ rằng trong số những người ủng hộ luật mới, ít nhất 18 nghị sĩ đang là đối tượng điều tra của NABU.
Phát biểu trên truyền hình tối 23/7, Tổng thống Zelensky bác bỏ cáo buộc can thiệp, khẳng định những thay đổi là cần thiết để loại bỏ "ảnh hưởng của Nga" trong hệ thống chống tham nhũng. Tuy nhiên, ông không đưa ra bằng chứng cụ thể.
Tuyên bố trấn an của Tổng thống Zelensky chưa thể làm giảm bớt lo ngại từ các đối tác phương Tây. Ủy viên phụ trách mở rộng của Liên minh châu Âu, bà Marta Kos, cảnh báo rằng đạo luật mới có thể tác động tiêu cực đến tiến trình đàm phán gia nhập EU của Ukraine, đồng thời nhấn mạnh “các cơ quan độc lập như NABU và SAP là điều kiện tiên quyết cho con đường hội nhập châu Âu”. Nhóm đại sứ các nước G7 tại Kiev cũng đồng loạt ra tuyên bố bày tỏ “mối quan ngại nghiêm trọng” về động thái này.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen được cho là đã đề nghị Ukraine cung cấp giải trình về các điều chỉnh liên quan. Trong khi đó, một số cơ quan truyền thông như tờ Kyiv Independent đã đăng tải bình luận thể hiện quan điểm chỉ trích mạnh mẽ, cho rằng các quyết định mới đây của Tổng thống Zelensky có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền dân chủ và những nỗ lực của người dân Ukraine trong cuộc xung đột hiện nay.
Luật số 12414, được Quốc hội Ukraine thông qua với tốc độ nhanh, trao quyền cho Tổng Công tố điều phối hoạt động của NABU và SAP, bao gồm cả việc điều chuyển các vụ án. Theo giới phân tích, quy định mới làm suy giảm tính độc lập của hai cơ quan này - yếu tố từng được thiết lập từ năm 2015 theo khuyến nghị của Liên minh châu Âu và các đối tác quốc tế nhằm tăng cường hiệu quả phòng, chống tham nhũng.
Cùng với luật mới, những thay đổi nhân sự gần đây như việc cách chức Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Valery Zaluzhny, cựu Ngoại trưởng Dmytro Kuleba và lãnh đạo ngành năng lượng Volodymyr Kudrytskyi cũng gây nhiều quan ngại trong giới ngoại giao phương Tây. Một số ý kiến lo ngại chiến dịch truy tìm “phản bội” và “cộng tác viên với Nga” có thể bị lợi dụng để dập tắt tiếng nói phản biện.
Giới quan sát nhận định, phản ứng quyết liệt từ dư luận trong nước và cộng đồng quốc tế lần này đã buộc Liên minh châu Âu phải lần đầu lên tiếng công khai chỉ trích chính quyền Ukraine - điều mà khối này trước đó thường tránh để không làm ảnh hưởng đến sự ủng hộ dành cho Kiev trong xung đột với Nga.
Hiện chưa rõ liệu Tổng thống Zelensky có điều chỉnh luật để bảo đảm tính độc lập cho các cơ quan chống tham nhũng hay không.