Phương tiện giao thông công cộng - nguồn lây lan dịch COVID-19 tại Italy

Trong bối cảnh Chính phủ Italy đang phải nỗ lực ngăn chặn sự gia tăng các ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, các chuyên gia và nhà lập pháp nước này ngày càng cho rằng phương tiện giao thông công cộng là một trong những nơi có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao nhất.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Rome, Italy ngày 17/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Cuối tuần qua, Thủ tướng Giuseppe Conte đã đưa ra các biện pháp hạn chế mới đối với các quán bar, trường học và nhà hàng nhưng giới chuyên gia cho rằng nhiều người tập trung trên xe buýt và tàu điện ngầm vào giờ cao điểm là mối đe dọa lớn hơn. Vào mùa Hè, khi tỷ lệ lây nhiễm vẫn còn ở mức thấp, chính phủ đã quy định xe buýt và tàu điện ngầm hoạt động tối đa 80% công suất. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng biện pháp hạn chế này còn chưa đủ. Theo giáo sư về bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Tor Vergata, ông Massimo Andreoni cho biết đôi khi hành khách không thể giữ được khoảng cách an toàn ít nhất là 1m.

Trong tuần này, Thủ tướng Conte cũng đã cho rằng phương tiện giao thông công cộng là nơi có nguy cơ lây nhiễm cao hơn cả. Tuy nhiên, ông lại chưa có biện pháp giải quyết vấn đề ngay lập tức. Thay vào đó, người đứng đầu Chính phủ Italy cho biết việc hạn chế các quán bar, nhà hàng, phòng tập gym và các hoạt động khác sẽ giúp giảm lượng người sử dụng xe buýt và tàu điện ngầm. 

Trong khi đó, ông Matteo Salvini, lãnh đạo đảng cực hữu Liên đoàn, cũng cùng quan điểm, cho rằng: "Vấn đề là phương tiện giao thông công cộng, vấn đề là tàu điện ngầm ở Rome hay Milan, đó là xe buýt, không phải phòng tập gym hay rạp chiếu phim".  

Italy là quốc gia châu Âu đầu tiên chịu tác động nặng nề bởi dịch COVID-19 vào mùa Xuân và đã kiểm soát được đợt bùng phát này vào mùa Hè sau 2 tháng áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt. Tuy nhiên, Italy lại đang chứng kiến số ca nhiễm mới theo ngày tăng vọt trở lại theo cấp số nhân trong vòng 2 tuần qua, trong đó ngày 27/10 ghi nhận khoảng 22.000 ca nhiễm mới, mức tăng cao nhất trong vòng 1 ngày. Làn sóng dịch bệnh thứ 2 này tập trung ở các thành phố lớn, trong đó có Milan ở miền Bắc và Naples ở miền Nam Italy. 

Hiện Italy ghi nhận tổng cộng 564.778 ca nhiễm, trong đó 37.700 ca tử vong do COVID-19.

Trần Quyên (TTXVN)
 Thế giới ghi nhận trên 44,3 triệu ca mắc, 1,17 triệu ca tử vong do COVID-19
Thế giới ghi nhận trên 44,3 triệu ca mắc, 1,17 triệu ca tử vong do COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 28/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 44.390.969 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.174.109 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi bệnh là 32.529.946 người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN