Hãng thông tấn AP (Mỹ) đưa tin ông Erdogan đã bày tỏ cảm ơn vì được tin tưởng tiếp tục giữ ghế Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ qua phát biểu tại Istanbul và Ankara. Phát biểu tại Ankara, Tổng thống tái đắc cử Erdogan cam kết sẽ làm việc chăm chỉ vì thế kỷ thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ mà ông gọi là “Thế kỷ Thổ Nhĩ Kỳ”. Quốc gia này sẽ kỷ niệm 100 năm thành lập vào tháng 10/1923.
Lãnh đạo trên khắp thế giới đã gửi lời chúc mừng đến ông Erdogan. Theo kênh CNN (Mỹ), trong nội dung đăng tải trên trang web của Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá cuộc bầu cử là “bằng chứng rõ ràng về sự ủng hộ của người dân Thổ Nhĩ Kỳ với nỗ lực của ông Erdogan tăng cường chủ quyền quốc gia và theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng chúc mừng người đồng cấp Erdogan và đăng lên mạng xã hội Twitter rằng ông mong đợi được cùng làm việc với tư cách “đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong những vấn đề song phương và thách thức chung toàn cầu”.
Các chính trị gia phương Tây cho biết họ sẵn sàng tiếp tục hợp tác với ông Erdogan cho dù mối quan hệ đôi khi căng thẳng trong những năm qua.
Theo AP, nhiệm kỳ tiếp theo của ông Erdogan chắc chắn sẽ bao gồm việc cần xử lý cẩn thận với các thành viên khác của NATO về tương lai của khối quân sự cũng như xung đột tại Ukraine.
Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò quan trọng đối với nguyện vọng gia nhập NATO của Thụy Điển. Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary là những thành viên còn lại trong NATO vẫn chưa bật đèn xanh với việc gia nhập khối của Stockholm.
Phép thử đầu tiên của ông Erdogan được cho là Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra từ ngày 11-12/7 tại Litva. Dự kiến sẽ xuất hiện đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn Thụy Điển gia nhập NATO. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ mới chỉ gật đầu với việc Phần Lan gia nhập khối quân sự trong khi vẫn chưa phê duyệt đơn gia nhập của Thụy Điển.
Thụy Điển vốn là quốc gia có cộng đồng người Kurd nhiều hơn Phần Lan. Tổng thống Erdogan đã đề nghị dẫn độ 140 người Kurd tại Thụy Điển. Stockholm đang thắt chặt luật chống khủng bố và sẵn sàng nghiên cứu các bằng chứng về việc cộng đồng người Kurd tại nước này là nguồn cung tài chính cho đảng Công nhân người Kurd (PKK) vốn nằm trong danh sách các tổ chức khủng bố do Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ xếp loại. Tuy nhiên, chính phủ Thụy Điển không thể ra lệnh cho các phẩm phán để dẫn độ người Kurd.
Trong khi đó, phương Tây lại ưu ái các kế hoạch của ông Erdogan để giảm căng thẳng với các quốc gia láng giềng bao gồm Saudi Arabia, Syria, Ai Cập và Armenia. Phương Tây cũng thường miêu tả Thổ Nhĩ Kỳ là cầu nối giữa châu Âu và Trung Đông. Ngày 11/5, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu thông báo, trong cuộc họp ở thủ đô Moskva (Nga) mới đây, ông và những người đồng cấp Nga, Iran và Syria đã nhất trí thành lập ủy ban chung nhằm xây dựng lộ trình tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa Ankara và Damascus.
Bên cạnh đó, quan hệ giữa Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ đã có dấu hiện tan băng sau cuộc gặp giữa Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tại thủ đô Doha của Qatar bên lề Lễ khai mạc World Cup 2022 hồi tháng 11 năm ngoái. Cũng trong năm 2022, Cairo và Ankara đã tổ chức 2 vòng đàm phán thăm dò ở cấp thứ trưởng ngoại giao nhằm hàn gắn mối quan hệ rạn nứt giữa hai bên. Mối quan hệ giữa Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng kể từ năm 2013 khi nhà lãnh đạo Ai Cập Mohamed Morsi thuộc Phong trào anh em Hồi giáo bị lật đổ. Ông Morsi được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan ủng hộ.
Ankara cũng có tiếng nói trong việc duy trì thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Vào ngày 17/5 vừa qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thông báo Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen sẽ được gia hạn thêm 2 tháng.
Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được Nga và Ukraine ký riêng rẽ hồi tháng 7/2022 với Liên hợp quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong đó, đại diện Nga và LHQ đã ký bản ghi nhớ về việc tạo điều kiện cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của nước này ra thị trường thế giới, trong khi phái đoàn Ukraine ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ về hoạt động xuất khẩu ngũ cốc.