Các quốc gia phương Tây, vốn “phong tỏa” Nga bằng các biện pháp trừng phạt mới liên quan đến chiến dịch quân sự của họ ở Ukraine (gói trừng phạt thứ 7 nhằm vào Nga đã được đưa ra), vẫn hy vọng đạt được mục tiêu đã nêu, cụ thể là phá hủy các lĩnh vực kinh tế, tài chính của Moskva càng nhiều càng tốt, từ đó gây ra cộng hưởng chính trị nội bộ (khủng hoảng) ở trong nước, bất chấp những tác động tiêu cực ngược trở lại với phương Tây.
Trong khi tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt có hiệu lực, cả Washington và Brussels thực sự hiểu rằng họ vẫn chưa thể đạt được kết quả mong muốn. Theo các chuyên gia phương Tây về các lệnh trừng phạt, điều này phần lớn là do nguồn dự trữ nội bộ của Nga, ở một số giai đoạn cho phép nước này có thể độc lập đối phó với các hạn chế hiện tại.
Mặt khác, phương Tây cũng hiểu rằng trong tình huống này, doanh nghiệp Nga (giống như hoạt động kinh doanh của bất kỳ quốc gia bị trừng phạt nào khác) buộc phải tìm cách đối phó và phong tỏa lệnh trừng phạt, đặc biệt là ở những khu vực mà chương trình thay thế nhập khẩu không thực hiện hoặc hoạt động không đủ.
Do đó, theo tờ Wall Street Journal, Mỹ và EU dự định phát triển một cơ chế để tăng cường giám sát việc tuân thủ các gói trừng phạt và đảm bảo việc thực thi các biện pháp này, nhằm "tăng cường gây áp lực kinh tế lên Điện Kremlin nhiều nhất có thể". Trên thực tế, Mỹ đang hành động một cách khá thoải mái để xác định các kế hoạch khả thi, trong khi EU đang gặp một số khó khăn.
Thách thức chính của EU là sự phân chia quyền lực giữa Brussels, cơ quan quyết định chính sách trừng phạt và các tổ chức cấp quốc gia của những nước thành viên, các cơ quan giám sát và các nhóm ngành của họ, những nơi trực tiếp áp dụng các biện pháp hạn chế.
Về vấn đề này, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Thời báo Tài chính Anh, Ủy viên EU về Ổn định Tài chính Mairead McGuinness cho biết, mặc dù có một số thành công trong việc áp dụng các hạn chế và phối hợp chúng với các đối tác quốc tế, nhưng “một số quốc gia có một cơ chế mạnh mẽ để thực hiện các biện pháp trừng phạt, một số thì không, điều này cho phép họ (Nga) có thể lách các hạn chế”.
Theo kế hoạch của Brussels, tình trạng này có thể được khắc phục bằng một cơ cấu mới tương tự như Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ, với quyền hạn bao gồm tình báo tài chính, lập kế hoạch và áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế và thương mại. Một giải pháp thay thế cho việc thành lập một cơ quan mới có thể là chuyển giao quyền giám sát việc thực hiện các lệnh trừng phạt, dự kiến được đưa ra vào năm 2024, cho Cơ quan Chống rửa tiền EU (AMLA).
Tuy nhiên, theo chuyên gia nổi tiếng về tội phạm tài chính của Mỹ, Kenneth Rijock, Nga có thể sử dụng một phần kinh nghiệm của Iran, quốc gia đã chịu lệnh trừng phạt hơn 40 năm, để lách các lệnh trừng phạt của phương Tây. Một biện pháp trong đó có thể được áp dụng là việc sử dụng đồng tiền quốc gia của các nước đối tác trong các thỏa thuận chung mà Nga đang tích cực sử dụng trên thực tế. Vàng cũng có thể được sử dụng trong thanh toán quốc tế (điều này không áp dụng đối với các nước EU ủng hộ gói trừng phạt thứ 7 hạn chế giao dịch với vàng của Nga).
Các quốc gia bị trừng phạt cũng tích cực sử dụng dịch vụ của các công ty được gọi "trung gian" thương mại và tài chính, vận tải, hậu cần và các công ty khác hoạt động trong không gian kinh tế nơi các lệnh trừng phạt được áp dụng. Chúng thường có quy mô nhỏ, nhưng số lượng của chúng ngày nay lên đến hàng nghìn, điều này cho phép họ nắm vững khối lượng giao dịch rất lớn. Các công ty này không có công ty con, chi nhánh hay tài khoản ngân hàng ở Mỹ và các quốc gia đồng minh của họ, vì vậy không dễ dàng để truy tìm và hạn chế.
Nhìn chung, theo các chuyên gia phương Tây, để các lệnh trừng phạt hoạt động hiệu quả nhất có thể, cần phải chặn tất cả các cách có thể để lách chúng và đưa ra các hình phạt kinh tế cùng những hình phạt khác đối với những người vi phạm chế độ trừng phạt. Về vấn đề này, Mỹ dự định sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với những nước có thể hỗ trợ Nga trong việc vượt qua các hạn chế áp đặt đối với Moskva.
Báo cáo của Cơ quan Thực thi Tội phạm Tài chính Mỹ cho biết một số quốc gia mà Nga có thiết lập hoạt động nhập khẩu song phương hiện đã được xác định. Đó là Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia, Kazakhstan, Gruzia, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Tất cả các nước này, theo Bộ Tài chính Mỹ, sẽ bị trừng phạt. Ấn Độ, Israel, Brazil, Mexico, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Nam Phi, Singapore, Đài Loan, Nicaragua và Serbia, những quốc gia có thể trở thành "điểm trung chuyển" của Nga để vận chuyển các sản phẩm bị cấm bởi lệnh trừng phạt, cũng bị đưa vào danh sách đen của cơ quan này.
Một hướng quan trọng của lệnh trừng phạt đối với Moskva, mà phương Tây dự định sẽ kiểm soát đặc biệt, là việc cung cấp các công nghệ của phương Tây vì lợi ích của ngành công nghiệp Nga, đặc biệt là những công nghệ có thể được sử dụng trong tổ hợp công nghiệp-quân sự quốc gia của Nga.
Kể từ năm 2014, FBI của Mỹ đã theo dõi chặt chẽ các mạng lưới cung cấp của Nga và đang tìm cách ngăn chặn chúng. Hiện tại, nguồn cung cấp từ Áo, Đức, Đài Loan và Hà Lan sẽ được kiểm soát, vốn trong giai đoạn trước khi trừng phạt đã hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp Nga trong lĩnh vực này.