Những đàn châu chấu càn quét
Nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí Science Advances. Theo đó, các hình thái thời tiết thất thường sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho côn trùng phát triển. Từ năm 2065 đến năm 2100, phạm vi hoạt động của châu chấu sa mạc có thể mở rộng từ 13 đến 25% do hạn hán theo chu kỳ. Thời tiết nóng và khô giúp châu chấu phát triển mạnh.
Theo các nhà nghiên cứu, an ninh lương thực và sinh kế của hàng triệu người ở Ấn Độ, Afghanistan, Turkmenistan và Iran sẽ bị đe dọa bởi tình trạng này. Đồng tác giả nghiên cứu – chuyên gia chính sách môi trường Xiaogang He tại Đại học Quốc gia Singapore chia sẻ: “Việc không giải quyết được những rủi ro này có thể làm căng thẳng thêm các mạng lưới sản xuất lương thực và làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu”.
Đáng chú ý, châu chấu sa mạc là một trong những giống nguy hiểm nhất. Một đàn gồm 80 triệu con chỉ trong một ngày có thể phá hoại được lượng cây trồng đủ để nuôi sống 35.000 người. Do đó, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) gọi chúng là “loài di cư có sức tàn phá mạnh nhất trên thế giới”.
Thông thường, châu chấu sa mạc sống ở các khu vực châu Phi, Trung Đông và Tây Nam Á. Cuộc khủng hoảng châu chấu nghiêm trọng nhất trong lịch sử gần đây xảy ra ở Đông Phi vào năm 2019 và 2020, khi cả hạn hán và lượng mưa cực lớn đã tạo điều kiện chín muồi cho châu chấu sinh sản và phát triển.
Gần đây, đàn châu chấu tre lưng vàng đã phát triển mạnh, phá hại mùa màng, cây rừng tự nhiên, tại tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn và Lạng Sơn của Việt Nam. UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành Quyết định về việc công bố dịch châu chấu tre gây hại cây rừng và cây trồng nông nghiệp trên địa bàn các huyện Nguyên Bình, Hòa An và Thạch An từ ngày 22/5.
Các biện pháp xử lý
Trước mối nguy hại từ châu chấu, giới chuyên gia đã đề xuất nhiều biện pháp mang tính ngắn hạn và lâu dài để đề phòng cũng như xử lý chúng.
Đầu tiên là dựa vào thiên địch kiểm soát số lượng châu chấu. Một số kẻ thù tấn công trứng châu chấu trong đất trong khi những kẻ thù khác xử lý châu chấu ở giai đoạn ấu trùng và trưởng thành.
Tuy nhiên, khó có thể tập trung lượng lớn thiên địch để ngăn chặn sự bùng phát châu chấu trên diện rộng. Chiến lược này sẽ chỉ thành công nếu thiên địch này được nuôi và phân bố với số lượng lớn, một hoạt động rất tốn kém. Tuy nhiên, thiên địch vẫn kiểm soát được khối lượng châu chấu tập trung và tăng tốc độ suy giảm của các đợt bùng phát châu chấu.
Trong số những loài săn trứng châu chấu có ruồi ong, bọ ban miêu, bọ chân chạy và dế. Dế đồng thường ăn trứng châu chấu, chúng có thể tiêu thụ tới 50% số trứng. Ruồi ong và bọ ban miêu đẻ trứng vào đất gần trứng châu chấu. Khi ấu trùng của những loài săn mồi này nở ra, chúng định vị vỏ trứng châu chấu và ăn chúng. Nếu số lượng ruồi ong và bọ ban miêu đông đảo, chúng có thể phá hủy tới 80% số trứng trên một khu vực. Nhện, một số loài ong bắp cày và nhiều loài chim cũng ăn châu chấu từ ấu trùng cho đến con trưởng thành. Diều hâu, quạ, sếu... đều là những kẻ săn mồi châu chấu.
Một số loài côn trùng khác, chẳng hạn như ong bắp cày nhỏ thuộc chi Scelio, ký sinh trên trứng châu chấu ngay sau khi chúng được đẻ. Ấu trùng ký sinh hoàn tất quá trình phát triển bên trong trứng. Chúng có thể tiêu diệt từ 5 đến 50% số trứng châu chấu.
Điều quan trọng là phải kiểm soát châu chấu trước khi chúng đến giai đoạn phát triển cánh. Kích thước lý tưởng là từ 7 đến 16 mm. Một khi châu chấu có cánh, chúng sẽ khó bị giết hơn nhiều.
Có thể sử dụng hóa chất để tiêu diệt châu chấu. Nhưng cần thuyết phục các nhóm nông dân lớn trong một khu vực đồng ý. Bằng cách này, châu chấu sẽ giảm khả năng di chuyển xa. Tránh phun khi trời rất nóng. Ở nhiệt độ cao, một số hóa chất gần như không còn hiệu quả nữa.
Không nên phun thuốc khi trời lạnh, vì châu chấu có thể ở gần mặt đất dưới tán cây để cố gắng giữ ấm, khiến hóa chất khó tiếp cận chúng. Khoảng nhiệt độ lý tưởng để phun châu chấu là 20 – 25 độ C.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng một bước quan trọng để giảm tác động từ khủng hoảng châu chấu là tăng cường quan hệ đối tác và liên lạc quốc tế, tận dụng nguồn tài trợ khẩn cấp, thông tin thời tiết, hồ sơ lịch sử và các nguồn khác để chuẩn bị và đối phó với côn trùng.