Các nhà khoa học Nga đã phục hồi thành công một loài cây cổ xưa từ các mô quả đã 32.000 năm tuổi. Các mô quả này được tìm thấy trong tổ hoá thạch của loài sóc được vùi sâu tới 38 mét dưới lớp băng giá từ kỷ địa chất Pleistocene ở Xibia.
Viện Hàn lâm khoa học Mỹ cho biết các nhà khoa học Nga đã sử dụng kỹ thuật nhân giống phân tử, gieo các mô quả trong ống nghiệm chứa dinh dưỡng. Các mô này mọc rễ và được trồng trong các bình chứa đất và đặt dưới ánh sáng Mặt Trời. Cây đã mọc lá xanh thẫm, hoa nhỏ màu trắng và kết hạt. Loài cây được phục hồi này sống từ kỷ nguyên voi mamút lông mịn và mèo răng kiếm.
Hình minh họa. Nguồn: Internet |
Đây được coi là cây cổ nhất được sống lại từ tổ chức sống đa phân tử và cũng là cây đầu tiên sống lại từ các điều kiện băng giá vĩnh cửu. Phát hiện mới này khơi dậy khả năng phục hồi các tổ chức sống trong các điều kiện băng giá khác nhờ các tập hợp gien thời tiền sử.
Các nhà khoa học Mỹ cho rằng thành công của các nhà khoa học Nga cho thấy lợi ích của việc theo đuổi các mục tiêu dường như không tưởng. Thành công trên cũng khuyến khích các nhà khoa học đầu tư mở rộng khu vực tìm kiếm các hạt của các loài cây cổ khác ở các vùng băng vĩnh cửu hiện đang che phủ 20% bề mặt Trái Đất.
TTXVN/ Tin Tức