Phát biểu tại họp báo, người phát ngôn Chính phủ Philippines nêu rõ biện pháp này sẽ được mở rộng sang những khu vực bùng phát mạnh, nhưng sẽ được điều chỉnh với những vùng có nguy cơ thấp. Theo đề xuất của của Lực lượng đặc nhiệm liên ngành về các bệnh truyền nhiễm khẩn cấp, Tổng thống Duterte đã quyết định áp dụng cách ly cộng đồng đối với những khu vực có nguy cơ thấp từ ngày 1/5. Lệnh này sẽ cho phép người lao động đi làm lại theo từng giai đoạn, trong khi những người có nguy cơ cao sẽ tiếp tục ở nhà.
Bên cạnh đó, Tổng thống Duterte đã cảnh báo ban bố tình trạng thiết quân luật nếu phiến quân cản trở hàng viện trợ cho những người dân bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phong tỏa, đồng thời yêu cầu quân đội sẵn sàng hành động.
Cho đến nay, Philippines đã ghi nhận tổng cộng 6.981 ca nhiễm, trong đó có 462 ca tử vong. Thủ đô Manila là khu vực có số ca nhiễm cao nhất. Kể từ giữa tháng 3 vừa qua, Tổng thống Duterte đã áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt tại đảo Luzon để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, như hạn chế đi lại, cấm tụ tập đông người, đóng cửa trường học và các doanh nghiệp không phải thiết yếu.
* Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngày 24/4, Thái Lan đã ghi nhận thêm 15 ca nhiễm mới trong khi không có thêm ca tử vong nào. Như vậy, tổng số các ca nhiễm ở quốc gia Đông Nam Á này cho tới nay là 2.854 ca, trong đó có 50 ca tử vong.
Trong 2 tuần qua, số lượng các ca nhiễm mới trong ngày tại Thái Lan đang có xu hướng giảm, từ 54 ca vào ngày 9/4 xuống còn 13 ca ngày 23/4.Tuy nhiên, giới chức y tế cũng khuyến cáo rằng số lượng các ca nhiễm trên thực tế có thể cao hơn do việc xét nghiệm được thực hiện hạn chế.
Xu hướng ca nhiễm mới giảm đang mở ra khả năng Chính phủ Thái Lan có thể nới lỏng một số hạn chế trên cả nước. Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan (NSC) dự kiến sẽ trình một đề xuất về việc kéo dài tình trạng khẩn cấp lên Thủ tướng vào ngày 27/4, đồng thời nới lỏng một số hạn chế hiện nay để cho phép một số doanh nghiệp và hoạt động thường ngày được nối lại.
Dự kiến Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha sẽ triệu tập một cuộc họp của Trung tâm Quản lý Tình hình COVID-19 (CCSA) vào ngày 27/4 để quyết định liệu có kéo dài tình trạng khẩn cấp hay không. Nếu việc kéo dài được nhất trí thì vấn đề sẽ được trình lên cuộc họp của Nội các vào ngày 28/4 để thông qua.
Trong khi đó, Cục Hàng không Dân dụng Thái Lan (CAAT) đã thảo luận với hơn 20 hãng hàng không về những biện pháp bắt buộc phải được áp dụng khi hầu hết các chuyến bay nội địa nối lại từ ngày 1/5. Cục trưởng CAAT Chula Sukmanop nêu rõ các hãng hàng không phải áp dụng các biện pháp an toàn y tế cộng đồng cả trước và trong khi bay. Những biện pháp này bao gồm có ghế để trống trong mỗi hàng nhằm giữ khoảng cách tương đối giữa các hành khách, đồng thời không phục vụ đồ ăn hoặc nước uống trong các chuyến bay. Đối với các chuyến bay dài từ 90 phút trở lên, toàn bộ hàng ghế phía sau máy bay phải được để trống và dành cho những hành khách có những triệu chứng giống như cúm.
Hành khách phải tự mang khẩu trang và đeo trên máy bay, nhưng bị cấm mang đồ ăn để sử dụng trên máy bay. Phi hành đoàn cũng phải đeo khẩu trang, găng tay và tấm chắn giọt bắn trong thời gian bay. Trên mặt đất, việc giãn cách xã hội phải được thực hiện khi làm thủ tục lên máy bay.