Philíppin – Ngọn cờ tiên phong trong du lịch sinh thái ở châu Á

Trước đây, cũng giống nhiều ngư dân Philíppin khác ở đảo Palawan - một trong những hòn đảo đẹp và đa dạng sinh thái nhất nước, anh Abner Abrigo thường ăn thịt cá heo và rùa. Nhưng giờ Abrigo đã nhận ra rằng khách du lịch rất thích xem những loại động vật này và nhờ chúng, anh có thể kiếm thêm nhiều tiền. Abrigo cho biết, số tiền kiếm được nhờ đưa khách du lịch đi xem cá heo đã làm thay đổi hẳn cuộc sống của anh và nhiều ngư dân.

Thiên nhiên ưu đãi cho đảo Palawan một vẻ đẹp hoàn hảo.


Không chỉ ở Philíppin, nhiều nước khác ở châu Á cũng xuất hiện hình thức kinh doanh nhỏ tận dụng lợi thế về du lịch sinh thái. Như ở Trung Quốc, người dân tộc thiểu số Qiang ở vùng núi tây nam kiếm sống bằng nghề bán thức ăn làm từ các sản phẩm hữu cơ cho du khách. Còn ở Inđônêxia, người dân địa phương lại có nguồn thu từ hoạt động đưa du khách đi chiêm ngưỡng những chú đười ươi.

Ngành du lịch và chính phủ các nước đang đáp ứng nhu cầu du lịch "xanh" ngày càng tăng của du khách. Campuchia đã trở thành nước Đông Nam Á đầu tiên cam kết thực hiện nguyên tắc của Hội đồng du lịch bền vững toàn cầu. Trên mạng Internet, các công ty lữ hành đưa ra vô số lựa chọn cho khách du lịch muốn có những kỳ nghỉ "xanh", như mua hạn ngạch khí thải cácbon (carbon credits) để bù lại việc đi máy bay hay ở tại các khu nghỉ dưỡng có dịch vụ "xanh".

Ông John Koldowski, Phó Tổng giám đốc Hiệp hội du lịch châu Á - Thái Bình Dương, nhận định với hãng tin AFP: "Du lịch sinh thái vẫn là một thị trường nhỏ nhưng ngày càng có nhiều người quan tâm". Xu hướng này là nhờ ý thức nói chung về môi trường cùng với lối sống xanh, bền vững ngày càng tăng. Hơn thế nữa, con người hiện đại đang có xu hướng tìm về những nơi thanh bình, yên tĩnh, vắng vẻ.

Đến nay, tỉnh Palawan ở Philíppin đã trở thành một trong những khu vực quan tâm đầu tư vào loại hình du lịch sinh thái nhiều nhất châu Á. Làng chài của Abrigo là một phần trong chương trình du lịch sinh thái có tên gọi Bayanijuan do chính quyền thành phố Puerto Princesa (thủ phủ tỉnh Palawan) và công ty truyền thông ABS-CBN điều hành. Trong suốt 2 năm qua, chương trình này đã tổ chức các chuyến dẫn khách du lịch đi ngắm cá voi và cá heo. Abrigo và một số cư dân khác vừa đi đánh cá vừa làm người phát hiện cá voi, cá heo cho các tàu du lịch. Nếu phát hiện được một chú cá voi hay cá heo nào, họ sẽ được mỗi hành khách trên tàu du lịch trả khoảng 60 xu. Có lúc một chiếc thuyền có tới 20 khách và nhờ đó Abrigo kiếm được kha khá.

Khác với Abrigo, nhiều dân chài khác còn bỏ nghề cũ để cùng nhau tập trung phục vụ số khách du lịch ngày càng tăng. Sau khi nhận thấy tác hại của việc đánh bắt cá bừa bãi, nhiều người đã tự động bỏ nghề và có cơ hội kiếm sống mới khi du khách bắt đầu để mắt tới đảo Palawan vào những năm 1990.

Với sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là từ chương trình Bayanijuan gần đây, họ đã chuyển đổi thuyền cá thành thuyền du lịch. Người dân Palawan còn phối hợp với chính quyền tỉnh Puerto Princesa thực hiện một lệnh cấm loại hình đánh bắt cá hủy diệt. Họ tình nguyện tuần tra và báo cáo sai phạm cho chính quyền.

Hiện hiệp hội các hộ làm du lịch ở làng chài của Abrigo có 66 thuyền du lịch và con số này sẽ tăng gấp đôi sau khi họ vay được một khoản tiền để đầu tư thêm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách.

Để ngành du lịch sinh thái ở Palawan phát triển được như ngày nay, công đầu thuộc về Thị trưởng thành phố Puerto Princesa, ông Edward Hagedorn. Nhiều nhà hoạt động vì môi trường xem ông như một đồng minh trong chiến dịch bảo vệ hệ sinh thái. Sau khi trở thành thị trưởng năm 1992, ông Hagedorn đã cấm hoạt động khai mỏ, khai thác gỗ. Ông cho rằng về lâu dài, sẽ có nhiều công ăn việc làm được tạo ra nhờ công tác bảo tồn các kỳ quan thiên nhiên và hoạt động thu hút khách du lịch.


Tầm nhìn của ông Hagedorn không hề sai khi số du khách đến Puerto Princesa tăng vọt từ 12.000 năm 1992 lên 425.000 năm 2010. Chắc chắn sẽ còn nhiều du khách tìm đến với đảo Palawan nói chung và thành phố Puerto Princesa nói riêng khi mà nhiều người trên thế giới đã biết đến nơi đây, đặc biệt là sau khi tạp chí Địa lý Quốc gia của Mỹ đánh dấu Palawan là 1 trong 20 điểm đến hàng đầu trong năm 2011.

Ông Hagedorn nhận xét: “Số lượng du khách tăng đồng nghĩa với việc người dân tăng thu nhập. Nếu chúng tôi cho phép hoạt động khai mỏ và khai thác gỗ thì những nghề nghiệp đó chỉ là tạm thời thôi”.

Nhiều dân đảo Palawan đã làm ăn phát đạt nhờ ngành du lịch. Anh Anthony Cuvinar là một ví dụ nhỏ. Sau khi chuyển sang làm người chèo thuyền và hướng dẫn du khách trong các chuyến xem đom đóm ban đêm trên sông, anh đã kiếm được 470 USD/tháng – một khoản tiền lương khá cao so với người dân đảo.

Tuy nhiên, mức lương đó không hẳn là điều khiến anh gắn bó với nghề mới. Anh tâm sự: “Khi làm nghề này, tôi biết cách yêu thiên nhiên và muốn giúp người khác hiểu được tầm quan trọng của thiên nhiên”.

Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN