Trong một phát biểu đêm 28/2, thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ Thái Lan Suthep Thaugsuban tuyên bố chiến dịch "đóng cửa Bangkok" do phong trào biểu tình này phát động từ ngày 13/1 vừa qua sẽ chấm dứt từ ngày 3/3 tới. Phát biểu trước người biểu tình, ông Suthep cho biết người biểu tình sẽ rút khỏi tất cả các điểm tụ tập ở thủ đô Bangkok, trừ điểm tập trung biểu tình tại công viên Lumpini ở trung tâm thủ đô, và toàn bộ hoạt động của phong trào chống chính phủ sẽ diễn ra tại địa điểm này.
Chiến dịch "đóng cửa Bangkok" đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo ông Suthep, việc rút khỏi các địa điểm tập trung biểu tình không có nghĩa là từ bỏ mục tiêu buộc chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải từ chức. Tờ "Bưu điện Bangkok" dẫn lời ông Suthep cho biết phong trào biểu tình sẽ tiếp tục làm tê liệt hoạt động của các văn phòng chính phủ cũng như các doanh nghiệp của gia đình Shinawatra.
Ông Suthep cũng xin lỗi người dân Bangkok vì những bất tiện trong thời gian diễn ra chiến dịch biểu tình làm tê liệt thủ đô.
Trong chiến dịch do thủ lĩnh biểu tình Suthep phát động từ ngày 13/1, người biểu tình chống chính phủ đã bao vây và chiếm đóng nhiều văn phòng chính phủ và giao lộ chính ở thủ đô Bangkok nhằm gây sức ép buộc bà Yingluck phải từ chức. Một số cuộc tuần hành đã biến thành bạo lực khi xảy ra đụng độ, nổ súng và ném lựu đạn làm 23 người thiệt mạng, trong đó có 4 trẻ em, và hàng trăm người bị thương.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 28/2 đã kêu gọi Thái Lan điều tra các vụ tấn công “mang động cơ chính trị”, cho rằng việc một số trẻ em bị thiệt mạng là điều “khủng khiếp”. Trong tuyên bố tại Washington, ông Kerry hối thúc nhà chức trách Thái Lan nhanh chóng điều tra các vụ tấn công và đưa thủ phạm ra trước công lý, đồng thời nhấn mạnh "không thể chấp nhận việc sử dụng bạo lực để giải quyết bất đồng chính trị". Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi các bên tại Thái Lan tiến hành đối thoại trên tinh thần tìm kiếm nền tảng chung để giải quyết bất đồng bằng biện pháp dân chủ và hòa bình.
Căng thẳng tại Thái Lan được cho là có dấu hiệu giảm nhiệt khi ngày 27/2 vừa qua, ông Suthep Thaugsuban đề xuất đối thoại với Thủ tướng Yingluck, với điều kiện cuộc đối thoại tay đôi phải được truyền hình trực tiếp. Bà Yingluck đã đồng ý với đề xuất này, song đưa ra điều kiện người biểu tình phải tôn trọng hiến pháp, sẵn sàng ngừng chiến dịch biểu tình và tạo điều kiện hoàn tất tiến trình bầu cử.
TTXVN/Tin tức