Ông Abu Zeid cũng nhấn mạnh lực lượng “Quân đội tự do Syria” của ông không quan tâm đến giải pháp chính trị, mà chỉ quan tâm đến vấn đề quân sự, do đó nếu không có thỏa thuận và tuân thủ
lệnh ngừng bắn thì lực lượng này sẽ không ủng hộ giải pháp chính trị.
Theo ông Abu Zeid, “Quân đội tự do Syria” yêu cầu thông qua quan điểm chung, theo đó tất cả các lực lượng nước ngoài, như nhóm của Iran và Afghanistan, cũng như các nhóm theo quan điểm dân tộc chủ nghĩa và phong tỏa khu vực có dân thường sinh sống ở Wadi Barada, Đông Guta và các vùng ngoại ô phía nam của Damascus, đều phải rời khỏi Syria.
Đặc phái viên LHQ về Syria Mistura (phải) tham dự cuộc hòa đàm ở thủ đô Astana về tình hình tại Syria. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trước đó, phát biểu khai mạc cuộc hòa đàm tại Astana, người đứng đầu phe đối lập Mohammed Allyusha tuyên bố chế độ ngừng bắn phải được thực thi đầy đủ, và lực lượng đối lập sẵn sàng cho cả giải pháp hòa bình cũng như tiếp tục hoạt động quân sự.
Tuyên bố của ông Allyusha ngay lập tức gặp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Syria Bashar Jaafari. Ông Jaafari cho rằng tuyên bố này hòng phá vỡ cuộc đàm phán tại Astana, khác với định hướng xây dựng trong phát biểu của đoàn đại biểu chính phủ.
Trong khi đó, Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về Syria Staffan de Mistura cho biết LHQ hy vọng các cuộc đàm phán gián tiếp giữa chính phủ Syria và lực lượng phiến quân ở Astana sẽ dẫn đến các cuộc thương lượng trực tiếp do LHQ dẫn đầu. Ngoài ra, ông Mistura cũng cho rằng không thể có một giải pháp bền vững và lâu dài cho cuộc xung đột ở Syria nếu chỉ thông qua các biện pháp quân sự, mà còn cần cả một quá trình chính trị.