Nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã tìm thấy xương người và nhiều công cụ bên trong một hang động ở Đức. Đây là dấu vết cổ xưa nhất về người tinh khôn được phát hiện ở một địa điểm xa về phía Bắc Âu như vậy. Phát hiện này có thể viết lại lịch sử định cư của loài người tinh khôn tại châu Âu và quá trình người tinh khôn thay thế người Neanderthal được cho là đã biến mất 1 cách bí ẩn vài nghìn năm sau khi người tinh khôn đến châu lục này. Theo nhà cổ sinh vật học Jean-Jacques Hublin, trưởng nhóm nghiên cứu, có thể giai đoạn người tinh khôn và người Neanderthal cùng chung sống tại châu Âu là thời điểm diễn ra hiện tượng chuyển giao giữa các thời kỳ trung và hậu đồ đá cũ.
Hang động tại Đức nói trên đã được phát hiện từ năm 1930 nhưng các hoạt động khảo cổ khi đó không mang lại kết quả vì có 1 tảng đá dài gần 2m chắn ngang. Lần này, các nhà khoa học tìm cách di chuyển tảng đá bằng tay. Kết quả, nhóm đã tìm thấy những con dao bằng đá hình chiếc lá giống như những cổ vật được tìm thấy ở các địa điểm khai quật cùng niên đại cùng hàng nghìn mẩu xương.
Nhóm nghiên cứu sử dụng công nghệ mới để phân tích các mẫu protein từ các hóa thạch để phân loại xương của động vật và xương của người. Qua các phân tích ADN, các nhà khoa học xác nhận hang có dấu tích xương của 13 con người. Điều này có thể hiểu rằng các công cụ bằng đá trong hang vốn từng được cho là do người Naeanderthal tạo ra trên thực tế là do con người tinh khôn tạo ra từ cách đây tới 47.500 năm
Đồng tác giả nghiên cứu Marcel Weiss cho biết đây là phát hiện bất ngờ bởi trước đây chưa một hóa thạch nào của con người tinh khôn được tìm thấy tại châu Âu có từ thời kỳ này. Trước đó, các nhà khoa học tin rằng người tinh khôn đến châu Âu và nhanh chóng thay thế người Neanderthal vào cuối thời kỳ chuyển giao khoảng 40.000 năm trước đây. Nhưng nghiên cứu mới cho thấy người tinh khôn có thể đến định cư ở châu Âu qua những đợt xâm chiếm nhỏ lẻ, sớm hơn thời điểm được biết đến lâu nay.