Nghiên cứu do các nhà khoa học quốc tế thuộc trường Đại học Newcastle (Anh), Đại học Yale (Mỹ), tổ chức phi chính phủ Galapagos Conservancy (Mỹ) và nhiều tổ chức khác tiến hành, được đăng trên tạp chí khoa học Heredity số mới đây.
Các nhà khoa học đã so sánh vật chất di truyền của những con rùa hiện sống trên đảo San Cristobal thuộc quần đảo Galapagos với mẫu xương và mai rùa thu thập được trong một hang động nằm trên vùng đất cao của đảo này vào năm 1906. Các nhà khoa học đã phát hiện thấy những con rùa trên - hiện được đặt tên khoa học là Chelonoidis chathamensis - có đặc điểm di truyền trùng với một loài rùa khác.
Bộ Môi trường Ecuador cho biết lý do gần 8.000 con rùa tại đây mới được phát hiện thuộc một loài khác có thể là trước đây các nhà thám hiểm trong thế kỷ 20 chưa từng tiếp cận vùng đất phía Đông Bắc của hòn đảo này, khu vực loài rùa mới này hiện đang sinh sống.
Theo tổ chức Galapagos Conservancy, loài Chelonoidis chathamensis "gần như chắc chắn đã tuyệt chủng" và trên thực tế hòn đảo này từng là nơi cư ngụ của 2 giống rùa khác nhau, một loài sống ở vùng cao và một loài ở vùng đất thấp.
Nằm cách bờ biển Ecuador khoảng 1.000 km ngoài khơi Thái Bình Dương, quần đảo Galapagos là một khu bảo tồn động vật hoang dã được bảo vệ nghiêm ngặt và là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật đặc biệt.
Vườn quốc gia Galapagos cho biết ban đầu quần đảo này chỉ có 15 loài rùa khổng lồ, 3 trong số đó đã tuyệt chủng cách đây hàng thế kỷ. Trước đó, một mẫu vật của loài Chelonoidis phantastica đã được tìm thấy trên đảo Fernandina cũng thuộc quần đảo Galapagos vào năm 2019, hơn 100 năm sau khi loài này bị coi là đã tuyệt chủng.
Các nhà khoa học cho biết sẽ tiếp tục phục hồi thêm gene từ các mẫu xương và mai để xác định xem liệu những con rùa sống trên đảo San Cristobal có nên được đặt một cái tên mới hay không.