Theo tạp chí "Khoa học" (Mỹ) số ra ngày 11/8, các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện hóa thạch của một loài bò sát sống dưới nước thời tiền sử có mang phôi thai. Đây là bằng chứng đầu tiên cho thấy loài bò sát sống dưới nước đẻ con chứ không phải đẻ trứng.
Hóa thạch bò sát biển mang phôi thai. (Nguồn: AP) |
Hóa thạch 78 triệu năm của loài bò sát có tên khoa học Polycotylus latippinus này có bốn vây như mái chèo, giống như kết hợp giữa rùa và rắn. Hóa thạch dài 4,7m, có chứa một hình hài phôi thai với đầy đủ các xương sườn, 20 đốt sống, xương vai, xương hông và xương vây mái chèo.
Các nhà khoa học từ lâu đã cho rằng có một sinh vật lớn từng nằm trong tốp những con vật săn mồi hàng đầu dưới đại dương không bò lên bờ đẻ trứng, nhưng chưa tìm được bằng chứng để chứng minh cho nhận định này.
Theo các nhà khoa học, một số loài bò sát dưới nước tồn tại trong thời kỳ Đại Trung sinh cùng với loài Polycotylus latippinus trên cũng đẻ con Đây là một đặc điểm liên quan đến lối sống có tính xã hội và con cái thường chăm sóc con chúng khi được sinh ra, giống như loài cá heo. Các nhà khoa học cho rằng loài Polycotylus latippinus cũng có đặc điểm như vậy.
Hóa thạch "mẹ con Polycotylus latippinus" đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Thiên nhiên ở hạt Los Angeles, Mỹ).
TTG