Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo tờ The Guardian ngày 11/5, trong báo cáo về năng lượng, ông Tony Blair cho rằng các chiến lược loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trong ngắn hạn và yêu cầu người dân thay đổi lối sống sẽ khó đạt hiệu quả. Ông kêu gọi Chính phủ Anh nên ưu tiên đầu tư vào năng lượng hạt nhân và công nghệ thu giữ carbon thay vì tập trung vào việc hạn chế tiêu dùng và thay đổi hành vi cá nhân.
Phát biểu được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Thủ tướng Keir Starmer phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Năng lượng tổ chức tại London. Tại sự kiện này, ông Starmer khẳng định cam kết chuyển đổi sang năng lượng sạch là một phần cốt lõi trong định hướng điều hành đất nước, đồng thời nhấn mạnh vai trò của năng lượng sạch trong đảm bảo an ninh quốc gia và giảm chi phí cho người dân.
Trong khi phát biểu của ông Starmer nhận được sự ủng hộ từ nhiều thành viên Công đảng, tuyên bố của ông Blair đã tạo ra những phản ứng trái chiều từ cả trong nội bộ đảng và dư luận. Một số ý kiến cho rằng phát biểu của ông Blair làm giảm tính thống nhất trong thông điệp chính sách khí hậu, đặc biệt trong bối cảnh Công đảng vừa trải qua cuộc bầu cử địa phương với kết quả không thuận lợi.
Các đảng đối lập, đặc biệt là đảng Reform - đại diện cho xu hướng dân túy cánh hữu - cũng nhân dịp này chỉ trích mạnh mẽ chính sách khí hậu hiện tại. Lãnh đạo Reform, ông Nigel Farage, cùng đồng sự Richard Tice nhiều lần phản đối mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và cam kết sẽ ngăn chặn các dự án năng lượng tái tạo tại các địa phương mà đảng này giành được quyền kiểm soát.
Phản ứng trước các ý kiến trái chiều, đại diện Công đảng khẳng định lập trường nhất quán. Một nguồn tin từ đảng cho biết: “Phát biểu của Thủ tướng Starmer tại hội nghị Lancaster House thể hiện rõ định hướng chính sách của đảng nhằm thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sạch gắn với lợi ích kinh tế, an ninh và việc làm”.
Theo khảo sát từ tổ chức More In Common, khoảng 40% cử tri Anh ủng hộ mục tiêu phát thải ròng bằng 0, trong khi 21% phản đối. Đa số người được hỏi mong muốn chính phủ tiếp tục duy trì hoặc tăng tốc thực hiện các cam kết khí hậu hiện nay.
Tuy nhiên, một số nghị sĩ Công đảng cho rằng để chính sách khí hậu được ủng hộ rộng rãi hơn, cần truyền thông rõ hơn về lợi ích cụ thể với từng cộng đồng địa phương, thay vì chỉ nhấn mạnh các mục tiêu dài hạn. Nghị sĩ Polly Billington lưu ý rằng yếu tố “gần dân” là then chốt trong các chiến dịch vận động tiếp theo.
Trong thời gian tới, chính phủ Anh dự kiến sẽ công bố một loạt chính sách trọng điểm liên quan đến khí hậu, bao gồm chiến lược công nghiệp mới, chương trình nhà ở tiết kiệm năng lượng, đầu tư vào điện gió và điện mặt trời trong nước, cùng với kế hoạch phát thải ròng bằng 0 mang tính quốc gia sẽ được trình vào tháng 10 năm nay.
Ngoài ra, các quyết định liên quan đến khai thác dầu khí ở Biển Bắc, cụ thể là các dự án như Rosebank và Jackdaw, đang được dư luận quan tâm, trong đó các tổ chức môi trường cảnh báo rủi ro về tính bền vững và tác động dài hạn.
Một yếu tố quan trọng khác là vấn đề ngân sách. Bà Rachel Reeves - phụ trách chính sách tài chính trong Công đảng - đang xây dựng bản đánh giá chi tiêu toàn diện cho nhiệm kỳ tiếp theo. Trong bối cảnh chi tiêu quốc phòng được ưu tiên, nhiều chương trình môi trường như chống ngập lụt, nông nghiệp bền vững và cải tạo nhà ở đang đối mặt nguy cơ bị cắt giảm. Các đề xuất đánh thuế tài sản để tạo nguồn lực cho quá trình chuyển đổi xanh hiện vẫn chưa được đồng thuận nội bộ.
Giới phân tích cho rằng, để duy trì tính khả thi và đồng thuận chính trị cho mục tiêu phát thải ròng bằng 0, các bên liên quan cần cân nhắc giữa tính bền vững, chi phí tài chính và sự ủng hộ từ người dân - đặc biệt trong giai đoạn kinh tế còn nhiều biến động.