Phát biểu tại phiên điều trần trước Quốc hội, Ngoại trưởng Le Drian đã yêu cầu đại sứ nước này trở lại Canberra với hai nhiệm vụ là xác định lại mối quan hệ với Australia trong tương lai và bảo vệ các lợi ích của Pháp liên quan đến việc Australia chấm dứt thỏa thuận tàu ngầm.
Ngay sau khi Ngoại trưởng Pháp thông báo quyết định trên, Ngoại trưởng Australia Marise Payne đã lên tiếng hoan nghênh, đồng thời nhấn mạnh việc đại sứ Pháp quay trở lại Canberra sẽ giúp hàn gắn quan hệ giữa hai nước. Theo bà Payne, Canberra sẽ hợp tác với Paris để thúc đẩy quan hệ song phương, dù thừa nhận điều này sẽ cần thời gian và đang giải quyết những vấn đề sau vụ hủy bỏ hợp đồng tàu ngầm.
Pháp coi quan hệ đối tác với Australia từ năm 2016 là nền tảng của chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Do đó, giới chức nước này đã phản ứng khá gay gắt, cho rằng Australia đã "bội tín" khi không đưa ra bất cứ dấu hiệu nào dù bắt đầu lên kế hoạch cho việc thay đổi thỏa thuận từ 18 tháng trước, đồng thời triệu hồi đại sứ về nước.
Australia đã lấy làm tiếc về hành động của Pháp, đồng thời khẳng định coi trọng quan hệ với Pháp và muốn tiếp tục hợp tác với Paris về các vấn đề bao gồm cả Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Giới phân tích cho rằng sự giận dữ của Pháp không chỉ xuất phát từ việc mất hợp đồng tàu ngầm, mà còn do sự tan vỡ của một liên minh với Australia - mà nước này coi là nền tảng trong chiến lược của nước này tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.