Pháp phản ứng vụ chính quyền quân sự ở Niger trục xuất Đại sứ

Ngày 31/8, Bộ Ngoại giao Pháp tuyên bố những người liên quan đến cuộc đảo chính quân sự gần đây ở Niger "không có thẩm quyền" yêu cầu Đại sứ Pháp tại Niamey phải rời khỏi quốc gia Tây Phi này. Bộ trên nêu rõ: “Chúng tôi liên tục đánh giá sự an toàn và các điều kiện hoạt động của Đại sứ quán của chúng tôi”.

Chú thích ảnh
Người biểu tình cầm tấm biển lấy từ Đại sứ quán Pháp tại thủ đô Niamey trong một cuộc biểu tình ủng hộ chính quyền ở Niger vào ngày 30/7/2023. Ảnh: AFP

Chính quyền quân sự ở Niger công bố Đại sứ Pháp tại Niger Sylvain Itte không còn được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao và cảnh sát đã được chỉ thị trục xuất ông này. Hội đồng quân sự Niger cũng đã đình chỉ thỏa thuận về sự hiện diện của quân đội Pháp tại quốc gia Tây Phi này.

Hôm 28/8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận các nhà ngoại giao Pháp và phương Tây đã phải đối mặt với những tình huống đặc biệt khó khăn ở một số quốc gia trong những tháng gần đây, từ Sudan cho đến Niger. Ông Marcon cũng lên tiếng bày ủng hộ bất cứ hành động quân sự nào của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) ở Niger để khôi phục quyền lực cho Tổng thống Mohambed Bazoum. 

Cuối tháng 7 vừa qua, một nhóm sĩ quan thuộc Lực lượng cận vệ của Tổng thống Niger đã tiến hành đảo chính lật đổ ông Bazoum. Lực lượng đảo chính đã thành lập Hội đồng quốc gia bảo vệ tổ quốc, đứng đầu là Tướng Abdurahmane Tchiani, để điều hành đất nước. Sau cuộc đảo chính, ECOWAS đã áp đặt trừng phạt Niger và đang xem xét các phương án nhằm "khôi phục trật tự hiến pháp" ở nước này, bao gồm cả khả năng can thiệp quân sự, song vẫn cam kết tìm giải pháp ngoại giao.

Pháp hiện vẫn duy trì 1.500 binh sĩ ở Niger, bất chấp sức ép từ chính quyền quân sự. Chính quyền quân sự Niger đang yêu cầu Paris rút quân trong vòng một tháng.

Bích Liên (TTXVN)
Algeria ‘hiến kế’ giải quyết khủng hoảng Niger
Algeria ‘hiến kế’ giải quyết khủng hoảng Niger

Bộ trưởng Ngoại giao Ahmed Attaf cho biết Algeria đang đề xuất một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Niger với giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 6 tháng dưới sự nắm quyền của một lãnh đạo dân sự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN