Phát biểu tại Diễn đàn Doha ở Qatar, người đứng đầu ngành ngoại giao của Pháp nhấn mạnh phải duy trì đối thoại và nêu rõ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫn đảm bảo kênh tiếp xúc với người đồng cấp Nga.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 27/3, Anh thông báo dừng hợp tác với Nga trong các dự án nghiên cứu và phát triển được tài trợ bằng ngân sách công. Bộ trưởng Khoa học Anh George Freeman thông báo London sẽ không tài trợ cho bất kỳ dự án hợp tác mới nào với Nga thông qua các tổ chức về nghiên cứu và sáng tạo của nước này. Anh cũng thông báo đình chỉ đối thoại liên chính phủ với Moskva thông qua nhóm kết nối sáng tạo và khoa học của nước này tại Nga, bao gồm các dự án khoa học chung.
Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Mỹ và các đồng minh đã đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt nhằm cô lập và gia tăng sức ép Moskva. Tuy nhiên, những biện pháp này được cho là có tác động nhất định tới kinh tế thế giới.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, báo The Guardian (Anh) ngày 27/3 đăng bài nhận định các biện pháp trừng phạt của Mỹ và các đồng minh nhằm vào Nga có thể khiến chính các nước phương Tây rơi vào “bẫy trừng phạt”. Theo bài báo, tầm quan trọng của Nga đối với thế giới không dừng lại ở vị trí xếp hạng là nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới. Nga là nước cung cấp các khoáng sản quan trọng nhất. Việc LB Nga chuyển hướng xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt và than đá sang thị trường châu Á, thay vì Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), sẽ tạo ra "một cơn địa chấn" kinh tế lớn. Tác giả bài báo cho rằng giá năng lượng cao có nguy cơ làm đảo ngược quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch của thế giới.