Cụ thể, công nhân ngành đường sắt do CGT - nghiệp đoàn lớn nhất trong lĩnh vực công, làm đại diện, sẽ đình công vào ngày 18/10 cùng với một số nhóm lao động hiện đang kêu gọi một ngày bãi công trên cả nước. Theo CGT, tổ chức này đang tìm cách để người lao động trong ngành đường sắt được hưởng mức lương cao hơn, cũng như phản đối nỗ lực của chính phủ xử lý mạnh đối với cuộc đình công của các công nhân nhà máy lọc dầu đã gây ra tình trạng thiếu nhiên liệu trên toàn quốc.
Chính phủ Pháp đã sử dụng quyền hạn khẩn cấp để buộc một số công nhân nhà máy lọc dầu đang đình công trở lại làm việc hoặc đối mặt với việc bị truy tố khi phong tỏa các cơ sở lọc dầu. Có 6 trong 7 nhà máy lọc dầu ở Pháp đang chịu ảnh hưởng của cuộc đình công hiện đang bước sang tuần thứ 3. Thực tế này đã khiến nhiều trạm xăng không có xăng dầu bán cho người dân.
Văn phòng Thủ tướng Elisabeth Borne cho biết các biện pháp khẩn cấp là hợp lý vì "mối đe dọa kinh tế thực sự" đối với miền Bắc nước Pháp, nơi phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp, đánh cá và công nghiệp. Tuy nhiên, nhiều nghiệp đoàn đã phản ứng dữ dội trước sự can thiệp của chính phủ.
Ngày 13/10, các công nhân đình công tại một nhà máy lọc dầu Esso-ExxonMobil ở Fos-sur-Mer, ngoại ô Marseille đã dỡ bỏ phong tỏa sau khi đạt được thỏa thuận trả lương với các nhà quản lý. Như vậy, hiện còn 5 nhà máy lọc dầu vẫn trong tình trạng ngừng hoạt động do đình công.
TotalEnergies tuyên bố sẽ tổ chức các cuộc đàm phán với đại diện nghiệp đoàn lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu các cuộc đình công, với hy vọng có thể đạt được sự đột phá. Nghiệp đoàn ngành lọc dầu đã đề xuất mức tăng lương 6% từ năm tới, thấp hơn mức yêu cầu tăng 10% từ 1/1/2023 của CGT.