Bởi lẽ, nước Pháp đã không có cây đủ cao và lớn để dựng lại phần mái gỗ như trước đây. Đó là tiết lộ của ông Bertrand de Feydeau, Phó Chủ tịch Hội bảo tồn Fondation du Patrimoine với tờ France Info.
“Chúng ta sẽ phải triển khai các công nghệ mới để giữ lại hiện trạng nhà thờ như chúng ta vẫn yêu mến”, ông De Feydeau nói.
Thánh đường nhà thờ rộng 130 x 48 mét, phần mái chính điện cao 64 mét. Phần trung tâm của nhà thờ hơn 850 năm tuổi này được làm bằng đá, song toàn bộ phần cột, xà phía trên nó làm bằng gỗ. Vụ hỏa hoạn xảy ra ngày 15/4 bắt đầu từ phần gác mái và thiêu rụi phần lớn mái nhà thờ.
Theo lời giới thiệu trên trang web Notredamedeparis.fr của Nhà thờ Đức Bà Paris, trong khoảng thời gian từ năm 1160 – 1170, người ta đã chặt 1.300 cây sồi để dựng mái nhà thờ. Kiến trúc Gothic đòi hỏi phần mái phải xây hình vòm và rất cao nên họ buộc phải chọn những cây sồi khổng lồ. Điều này đồng nghĩa với việc rất nhiều cây phải tầm 300 – 400 năm tuổi.
Vì mỗi xà, cột trong nhà thờ đều là một cây gỗ riêng biệt nên quá trình phục dựng phải cần đến số lượng lớn cây gỗ khỏe mạnh, lâu năm. Ông De Feydeau nói với hãng CNN rằng ông không dám chắc ở châu Âu có đủ số lượng cây sồi phù hợp để dựng lại mái nhà thờ như cũ hay không.
Fransylva - liên đoàn đại diện cho những người trồng gỗ tư nhân ở Pháp – đã đề nghị cung cấp gỗ sồi để xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà. “Các tiều phu muốn ‘rừng’ của Nhà thờ Đức Bà được xây dựng lại bằng gỗ sồi Pháp, nhằm duy trì truyền thống cùng như chất lượng tốt như hồi đầu”, Fransylva viết trong thông báo, sử dụng biệt danh “rừng” ám chỉ các xà gỗ của Nhà thờ Đức Bà bởi vì nó được xây từ rất nhiều gỗ.
Công ty bảo hiểm Groupama cũng đề nghị chi trả cho 1.300 cây sồi để dựng lại phần mái gỗ. Groupama cho biết họ sẽ mua gỗ từ những cánh rừng ở Normandy để giống nguyên bản.
Các chuyên gia khác lại nhận xét rằng, dựa vào vụ cháy hôm 15/4, gỗ không phải là phương án tốt để xây lại mái nhà thờ. Những lựa chọn khác bao gồm dựng xà, cột nhỏ hơn hoặc thậm chí dùng khung kim loại.
Sau vụ cháy đáng tiếc, câu hỏi lớn nhất đang được đặt ra với Chính phủ Pháp là nên giữ nguyên bản hay hiện đại hóa nhà thờ.
Đăng trên trang nhất của tờ Le Figaro ngày 19/4 là bức hình Nhà thờ Đức Bà Paris chụp từ trên cao với tiêu đề "Nhà thờ Đức Bà: Câu hỏi về tái thiết". Xây dựng lại y như cũ hay mạnh dạn có sáng tạo về kiến trúc? Tương tự, báo Le Monde đặt vấn đề "có nên phục dựng Nhà thờ Đức Bà y như xưa?".
Theo cựu kiến trúc sư trưởng công trình này, việc phục dựng giống hệt như trước là điều "hầu như không thể thực hiện được". Việc thẩm định những hư hại và giữ ổn định địa điểm sẽ mất rất nhiều thời gian và khó thể hoàn thành trong 5 năm.
Trong bài viết mang tên "Vì một Vương cung Thánh đường của thế kỷ 21", Le Monde đánh giá cao quyết tâm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi ông cho biết sẽ "trùng tu Nhà thờ Đức Bà đẹp hơn trước", nhưng cho rằng cần thận trọng, bởi đó là một di sản độc đáo, chứng nhân của nhiều sự kiện lịch sử và là một hình ảnh đã bắt rễ lâu đời qua nhiều thế hệ người Paris.