Pháp ghi nhận 3.024 ca tử vong do dịch COVID-19, chưa kể các ca ở trại dưỡng lão

Ngày 30/3, Pháp đã ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong vòng 24h kể từ khi bắt đầu dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này, với 418 trường hợp tử vong trong bệnh viện, nâng tổng số ca tử vong do nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) lên thành 3.024 người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 lên máy bay trực thăng tại Strasbourg, Pháp, ngày 30/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo cập nhật hàng ngày của chính phủ, tính đến nay, đã có 20.946 người ở Pháp nhập viện do mắc COVID-19, trong đó có 5.056 ca đang được chăm sóc tích cực. Đáng chú ý, số liệu tử vong ở Pháp mới chỉ tính đến những ca ở bệnh viện mà chưa kể đến những người tử vong tại gia hoặc trong các viện dưỡng lão.

Tại Đức, theo phóng viên TTXVN, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert cho biết, tình hình lây lan của SARS-CoV-2 ở nước này vẫn còn quá nhanh, do đó không có lý do gì quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế tiếp xúc. 

Phát biểu trước báo giới, ông Seibert cho hay, Chính phủ vẫn đang theo dõi sát sao tình hình và hiện cứ sau khoảng 5 ngày thì số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Đức lại tăng lên gấp đôi. Do đó, chỉ có thể nới lỏng các hạn chế tiếp xúc khi tốc độ lây nhiễm chậm lại. Để có thể hạn chế tối đa các ca nhiễm bệnh mới, Chính phủ Đức cần tiếp tục kéo dài các biện pháp kiểm soát và hạn chế tiếp xúc đến ít nhất là ngày 20/4.  

Theo kết quả cuộc thăm dò mới nhất do Viện nghiên cứu Forsa tiến hành, công bố ngày 30/3, hơn một nửa dân số Đức bày tỏ ủng hộ các biện pháp hạn chế tiếp xúc của Chính phủ trong nỗ lực khống chế sự lây lan nhanh của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo đó, 55% số người được hỏi đã trả lời ủng hộ Chính phủ Đức ban bố biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn trên toàn quốc, trong khi 42% bày tỏ ý kiến phản đối. Bên cạnh đó, có tới 88% người dân cho rằng Chính phủ nên tiếp tục kéo dài các biện pháp hạn chế thêm ít nhất 3 tuần nữa trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang tăng nhanh như hiện nay, và chỉ có 10% người ủng hộ việc sớm nới lỏng các biện pháp phòng dịch.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở Bonn, Đức ngày 28/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó hôm 23/3, sau cuộc họp trực tuyến với thủ hiến các bang, Thủ tướng Angela Merkel đã thông báo một loạt biện pháp cứng rắn, được thống nhất áp dụng trên toàn quốc trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Trong đó có việc cấm tụ tập từ 2 người trở lên, ngoại trừ các thành viên trong gia đình hoặc những người sống cùng trong một nhà; hạn chế tiếp xúc với người khác; giữ khoảng cách tối thiểu 1,5m với người khác ở nơi công cộng; đóng cửa các nhà hàng ăn uống, song vẫn được phép vận chuyển hoặc lấy đồ mang về... Các lực lượng trật tự và cảnh sát sẽ giám sát và phạt nặng những trường hợp vi phạm những quy định này và sẽ được áp dụng trên cả nước trước mắt trong 2 tuần, bắt đầu từ ngày 23/3.

Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Angela Merkel cùng ngày tiếp tục có kết quả xét nghiệm lần thứ 3 âm tính với SARS-CoV-2. Hiện sức khỏe của bà Merkel vẫn ổn định và trong thời gian cách li ở nhà, bà vẫn điều hành Chính phủ thông qua liên hệ chặt chẽ với các thành viên trong nội các. Dự kiến vào ngày 1/4, Thủ tướng Merkel sẽ tiến hành cuộc họp trực tuyến với thủ hiến các bang để thảo luận và đánh giá về tình hình hiện nay ở Đức. Ngoài ra, bà Merkel cũng sẽ được tiến hành thêm một số xét nghiệm mới trong những ngày tới. 

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tính đến 19h30 tối 30/3 (theo giờ Đức), trên cả nước Đức đã ghi nhận 64.857 ca nhiễm và 572 ca tử vong. Bang Bayern hiện là bang có số người nhiễm cao nhất với hơn 14.000 trường hợp và 158 ca tử vong. Trong khi đó, thủ đô Berlin ghi nhận 2.581 trường hợp nhiễm bệnh với 13 ca tử vong.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30/3 cho biết, các biện pháp phong tỏa và kiểm soát nghiêm ngặt tại Italy trong 2 tuần qua sẽ khiến tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở quốc gia này sớm ổn định, nhưng vẫn yêu cầu phải duy trì cảnh giác. Phát biểu họp báo, ông Mike Ryan, chuyên gia hàng đầu của WHO về y tế khẩn cấp nêu rõ: “Chúng tôi hy vọng rằng Italy và Tây Ban Nha sẽ sớm ổn định, nhưng virus tự nó sẽ không giảm đi, mà nó cần được kiềm chế bằng các nỗ lực y tế công cộng”. Đề cập đến Italy, ông Ryan nói: “Chúng ta nên bắt đầu thấy sự ổn định. Số ca chúng ta thấy trong hôm nay đã thực sự chứng tỏ nỗ lực trong 2 tuần vừa qua”.

Anh Đức - Cao Văn Ứng (TTXVN)
Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 31/3: Thế giới 37.567 ca tử vong, Italy, Tây Ban Nha 'sắp tới đỉnh dịch'
Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 31/3: Thế giới 37.567 ca tử vong, Italy, Tây Ban Nha 'sắp tới đỉnh dịch'

Ngày 30/3, thế giới đã có trên 780.000 người mắc COVID-19, trên 37.500 ca tử vong. Số người nhiễm virus tại Mỹ đã vọt lên gấp đôi Trung Quốc, trong khi Italy, Tây Ban Nha tiếp tục có số ca tử vong rất cao dù được dự báo còn 7-10 ngày nữa mới tới đỉnh dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN