Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Paris, Pháp chia dịch COVID-19 thành 3 giai đoạn, gồm "giai đoạn 1" được tính từ khi virus SARS-CoV-2 lần đầu được phát hiện ở trong nước; "giai đoạn 2" là khi virus xuất hiện ở một số vùng và "giai đoạn 3" là khi dịch lây lan trên diện rộng.
Trong 2 giai đoạn đầu, chính quyền Pháp đã áp dụng nhiều biện pháp, từ điều trị cho những người nhiễm COVID-19 đến cảnh báo và phòng ngừa mức độ lây lan của dịch. Đặc biệt, chính quyền Pháp còn hạn chế hoặc cấm các sự kiện ngoài trời tập trung từ 5.000 người trở lên, cấm người người dân ở các vùng xuất hiện dịch tụ tập. Một khi dịch COVID-19 chuyển sang "giai đoạn 3", chính phủ Pháp dự kiến sẽ áp dụng nhiều biện pháp nghiêm ngặt hơn.
Cụ thể, ở cấp độ y tế, các cơ sở y tế ở Pháp sẽ ngừng hoạt động giám sát cá nhân các trường hợp mà tập trung vào việc bảo vệ các nhóm dân số có nguy cơ cao, trong đó có nhóm người già trong viện dưỡng lão. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được quản lý theo mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp. Các trường hợp ít nghiêm trọng nhất sẽ được giữ ở nhà miễn là điều kiện của họ cho phép, để không làm quá tải các bệnh viện.
Ngoài các cơ sở y tế, ở "giai đoạn 3", Pháp chủ trương sẽ huy động lực lượng chuyên gia y tế tự do, dịch vụ chăm sóc và trợ giúp tại nhà. Trong mỗi cơ sở cấp cứu, ít nhất phải có một nhân viên y tế chuyên xử lý dịch bệnh.
Theo một số nguồn tin, nhiều biện pháp khác cũng được chính phủ Pháp dự tính, song chưa được công khai. Tuy nhiên, Phủ Thủ tướng Pháp khẳng định "các giai đoạn giống hệt với kế hoạch đại dịch cúm" được chính phủ nước này phát triển và phổ biến vào năm 2011 sau đại dịch cúm A (H1N1) năm 2009.
Theo kế hoạch năm 2009, chính phủ Pháp có thể quyết định "các biện pháp rào cản", chẳng hạn như đóng cửa các nhà trẻ và trường học trên toàn quốc, hạn chế việc đi lại không cần thiết, thậm chí tạm dừng hoạt động một số phương tiện giao thông công cộng, cũng như việc thiết lập cơ sở tiếp nhận những người nhiễm bệnh vô gia cư. Còn phía các doanh nghiệp cũng sẽ được yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo vệ như làm việc từ xa và hội nghị từ xa, cũng như hạn chế các cuộc họp và đi du lịch.
Ở một diễn biến khác, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 3/3 đã tuyên bố trên mạng xã hội Twitter rằng nhà nước "trưng dụng tất cả kho dự trữ và sản lượng khẩu trang y tế" để phân phối chúng cho những người chăm sóc và bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2.
Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Paris, có mặt chiều cùng ngày tại Trung tâm điều hành các tình huống khẩn cấp về y tế và xã hội của Bộ Y tế, Tổng thống Macron khẳng định Pháp đã "bước vào giai đoạn kéo dài hàng tuần và có thể hàng tháng" trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19. Ông nhấn mạnh "tất cả phải nhận thức được rằng chúng ta sẽ được huy động trong thời gian dài" và "chúng ta đã sẵn sàng". Mội hội đồng quốc phòng đặc biệt về dịch viêm đường hô hấp cấp sẽ được tổ chức ngày 4/3 dưới sự chủ trì của Tổng thống.
Theo Bộ trưởng Y tế Olivier Véran, 10 triệu khẩu trang y tế đã được xuất kho và phân phối cho tất cả các hiệu thuốc ở Pháp. Năm triệu chiếc khác đã được chuyển về các cơ sở y tế địa phương và viện dưỡng lão. Trong thời gian tới, từ 15 đến 20 triệu khẩu trang sẽ tiếp tục được cung cấp tùy theo nhu cầu thực tế.
Chính phủ Pháp áp dụng các biện pháp xiết chặt quản lý thị trường khẩu trang và nước rửa tay khô y tế. Các cuộc điều tra được tiến hành khi giá của các sản phẩm trên tăng gấp đôi thậm chí gấp ba trong những ngày gần đây. Trong khi đó, ít nhất 8.300 khẩu trang và 1.200 chai dung dịch rửa tay y tế đã bị đánh cắp từ các cơ sở của hệ thống bệnh viện đại học y vùng thủ đô. Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire nhấn mạnh "không thể chấp nhận bất kỳ sự đầu cơ nào", khẳng định chính phủ sẽ điều chỉnh giá bán nếu phát hiện những bất thường trên thị trường.
Tính đến tối 3/3, Pháp đã ghi nhận ca tử vong thứ 4 do virus SARS-CoV-2. Tổng cộng đã có 212 trường hợp nhiễm bệnh, tăng 21 người trong 24 giờ qua. Chính quyền đã quyết định đóng cửa khoảng 120 trường học, chủ yếu tại tỉnh Oise ở miền Bắc và tỉnh Morbihan ở miền Tây, được coi là hai ổ dịch COVID-19 tại Pháp. Còn tại thành phố Montreuil, ngoại ô Paris, cơ quan y tế cũng quyết định đóng cửa một lớp học gồm khoảng 20 học sinh trong vòng 14 ngày, sau khi một học sinh đã nhận kết quả xét nghiệm dương tính. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục Pháp đã bác khả năng đóng cửa toàn bộ trường học trên cả nước.