Tàu tuần tra của Hải quân Pháp tham gia chiến dịch giải cứu người di cư trên biển Địa Trung Hải ngày 5/9. Ảnh: AFP-TTXVN |
Phát biểu với báo giới ngày 7/9, Tổng thống Hollande cho biết Ủy ban châu Âu (EC) sắp công bố đề xuất phân bổ 120.000 người tỵ nạn đối với các nước thành viên, và Pháp sẵn sàng tiếp nhận khoảng 24.000 người theo hạn ngạch được phân bổ. Ông cũng cảnh báo khu vực "Schengen" (khu vực miễn thị thực giữa 22 quốc gia thành viên EU) sẽ đứng trước nguy cơ "đổ vỡ" và chấm dứt nếu không có một cơ chế hoạt động hiệu quả, lâu dài và "mang tính ràng buộc" để chia sẻ gánh nặng người tỵ nạn giữa các nước thành viên.
Nhà lãnh đạo Pháp cũng cho biết nước này sẽ đề xuất chủ trì một hội thảo quốc tế về vấn đề người tỵ nạn tại Paris, đồng thời kêu gọi các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) cần thống nhất một chính sách chung để giải quyết vấn đề người tỵ nạn.
Cùng ngày, phát biểu trước quốc hội, Thủ tướng Anh David Cameron cho biết Anh sẽ tiếp nhận thêm 20.000 người tị nạn từ Syria trong vòng 5 năm tới. Ông cho rằng nước Anh có "trách nhiệm đạo đức" phải tái định cư người tị nạn đang sống trong các lán trại dọc biên giới Syria, cũng như phải làm tất cả những gì có thể để chấm dứt cuộc xung đột tại quốc gia này.
Cùng chung quan điểm với Tổng thống Hollande, cùng ngày, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Maria Garcia-Margallo cũng cam kết nước này sẵn sàng tiếp nhận người di cư bất chấp tình hình kinh tế khó khăn.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif tại Tehran, Ngoại trưởng Garcia-Margallo cảnh báo xét trên phương diện đạo đức và thực tế, cuộc khủng hoảng di cư tại "Lục địa già" đang làm lu mờ hình ảnh của châu Âu, đồng thời kêu gọi các nước EU cần "nỗ lực tối đa" để hỗ trợ người tỵ nạn.
Thuyền chở người nhập cư trái phép lênh đênh trên biển Địa Trung Hải. Ảnh: AFP-TTXVN |
Ông khẳng định Tây Ban Nha sẵn sàng tiếp nhận số người di cư ở mức tối đa cũng như cung cấp nơi ở và các dịch vụ xã hội cho họ bất chấp những khó khăn tài chính hiện tại. Liên quan đến tình hình Syria - quốc gia có số người chiếm một nửa trong tổng số những người di cư đến châu Âu, Ngoại trưởng Tây Ban Nha cũng hối thúc một "giải pháp chính trị hợp lý" để chấm dứt cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này thông qua đối thoại.
Nhằm góp phần vào nỗ lực hỗ trợ người di cư, Thống đốc Ngân hàng Phần Lan Erkki Liikanen cũng cam kết đóng góp một tháng lương, tương đương 11.200 USD, cho Quỹ Thập đỏ Phần Lan, đồng thời kêu gọi người dân giúp đỡ những người di cư tùy vào khả năng của mỗi người. Trước đó một ngày, với hy vọng người dân sẽ mở rộng vòng tay chào đón người di cư, Thủ tướng Phần Lan Juha Sipila cũng đã thực hiện một nghĩa cử đẹp khi quyết định mở cửa ngôi nhà của mình ở miền Bắc nước này cho người tỵ nạn Trung Đông đến ở. Chính phủ Phần Lan cũng cho biết sẽ tiếp nhận 30.000 đơn xin tỵ nạn trong năm nay, cao gấp 7 lần so với tổng số đơn hồi năm ngoái.
Trong khi đó, trong bài phát biểu tại Budapest ngày 7/9, Thủ tướng Hungary Viktor Orban lại chỉ trích kế hoạch phân bổ hạn ngạch của EC sẽ vô ích nếu các nước vẫn thất bại trong việc bảo vệ các biên giới bên ngoài châu Âu. Theo ông, cơ chế hạn ngạch chỉ ưu tiên giải quyết "hệ quả" thay vì những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng nhập cư, chủ yếu do EU không thể kiểm soát được biên giới bên ngoài. Thủ tướng cho rằng đề xuất trên của EU chỉ khuyến khích thêm nhiều người tị nạn đến khối liên minh này, đồng thời chỉ trích hành động mới đây của Đức và Áo khi mở cửa biên giới chào đón hàng nghìn người nhập cư đang bị kẹt lại ở Hungary.
Hungary là một trong những quốc gia phản đối gay gắt kế hoạch phân bổ hạn ngạch của EC. Quốc gia trong khối Schengen này đã gây chấn động cả châu Âu khi khởi công xây dựng một hàng rào cao 4 mét dọc biên giới kéo dài 175 km với Serbia hồi tháng 7 vừa qua và công trình này hiện đã được hoàn tất. Nước này cũng đã đóng cửa một ga đường sắt ở Budapest để ngăn những người di cư tìm cách nhảy tàu sang Áo. Những biện pháp cứng rắn trên đều nhằm mục tiêu chặn dòng người di cư đang chạy trốn khỏi Syria, Iraq hay Afghanistan.