Nghiên cứu của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia tại Mỹ (NBER) cho hay 10.000 nhà đầu tư cá nhân hàng đầu vào Bitcoin kiểm soát khoảng một phần ba lượng tiền kỹ thuật số đang lưu hành.
Theo tờ Bloomberg, những người đam mê tiền số từ lâu đã thắc mắc ai là chủ sở hữu lớn nhất của Bitcoin kể từ những ngày đầu tiên nó tồn tại. Có thể khó xác định mức độ tập trung quyền sở hữu vì những địa chỉ lớn nhất thường không đại diện cho cá nhân, mà là các sàn giao dịch và tổ chức nắm giữ Bitcoin thay mặt cho các nhà đầu tư khác.
Tuy nhiên, bằng cách sử dụng phương pháp thu thập dữ liệu phân biệt giữa các địa chỉ thuộc về bên trung gian và cá nhân, NBER đã có thể xác định các bên trung gian đang kiểm soát khoảng 5,5 triệu Bitcoin hồi cuối năm ngoái. Trong khi đó, các cá nhân kiểm soát khoảng 8,5 triệu Bitcoin. Ngoài ra, 1.000 nhà đầu tư cá nhân hàng đầu đang nắm giữ khoảng 3 triệu đồng tiền số này.
Hai nhà nghiên cứu Igor Makarov và Antoinette Schoar tại NBER lưu ý phép tính của họ có thể bị chênh lệch do không thể loại trừ khả năng rằng một số địa chỉ tiền số lớn nhất được kiểm soát bởi cùng một thực thể. Ví dụ, dữ liệu không chỉ định quyền sở hữu 20.000 đồng Bitcoin ban đầu trong khoảng 20.000 địa chỉ cho cùng một người sáng lập là Satoshi Nakamoto mà coi chúng thuộc về 20.000 cá nhân khác nhau.
Dữ liệu cho thấy mức độ tập trung của các “thợ mỏ” còn chênh lệch sâu hơn thế. NBER phát hiện rằng 10% người khai thác hàng đầu đang kiểm soát 90% công suất khai thác Bitcoin và chỉ 0,1% (khoảng 50 người) kiểm soát 50% công suất khai thác.
Sự tập trung không đồng đều như vậy có thể khiến hệ thống Bitcoin đối mặt với nguy cơ bị tấn công lên đến 51%. Khi đó, một nhóm “thợ mỏ” thông đồng hoặc một người khai thác duy nhất cũng có thể nắm giữ sức mạnh kiểm soát phần lớn mạng lưới. NBER nhận thấy mức độ tập trung cũng giảm sau khi giá Bitcoin tăng mạnh, có nghĩa là xác suất dễ bị tấn công 51% còn cao hơn khi giá Bitcoin giảm mạnh.
Các nhà nghiên cứu viết: “Kết quả của chúng tôi cho thấy rằng bất chấp sự phổ biến đáng kể của Bitcoin trong vài năm qua, hệ sinh thái của đồng tiền số này vẫn bị chi phối bởi số ít người chơi lớn, có thể là những nhà khai thác, những người sở hữu hoặc trao đổi Bitcoin.
Sự phân bổ mang tính tập trung cao này khiến mạng lưới Bitcoin dễ gặp rủi ro, đồng thời ngụ ý rằng phần lớn lợi nhuận thu được chủ yếu rơi bất tương xứng vào túi một bộ phận nhỏ người tham gia.
Báo cáo của nhà quản lý tài sản kỹ thuật số CoinShares công bố hôm 25/10 cho hay dòng tiền đổ vào các sản phẩm và quỹ tiền số đã lên mức kỷ lục vào tuần trước là 1,5 tỷ USD, đánh dấu tuần tăng thứ 10 liên tiếp khi tâm lý thị trường lạc quan nhờ việc các quỹ EFT bitcoin tại Mỹ bắt đầu hoạt động giao dịch.
Số liệu của CoinShare cho thấy tính từ đầu năm đến tuần kết thúc vào ngày 22/10, dòng tiền đổ vào thị trường cho đến nay đã đạt 8 tỷ USD, vượt xa kỷ lục được thiết lập cho cả năm 2020 là 6,7 tỷ USD.
Tổng giá trị khối tài sản điện tử do các quỹ quản lý cũng đạt kỷ lục mới là 79,2 tỷ USD, mặc dù kết thúc tuần ở mức 76,7 tỷ USD.
Báo cáo cho thấy phần lớn dòng vốn tăng trong tuần thứ sáu liên tiếp là hướng tới Bitcoin với 1,45 tỷ USD. Dòng tiền đổ vào đồng tiền số lớn nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại đã lên tới 6,1 tỷ USD.