Theo đài RT (Nga), Bộ trưởng Bộ Tài chính Annika Saarikko cho biết Phần Lan đã ký hợp đồng 10 năm với dự án tàu cảng nổi lưu trữ và tái tạo khí (FSRU) của Công ty Excelerate Energy có trụ sở tại Mỹ, giúp thay thế nguồn cung cấp khí đốt của Nga.
“Tàu cảng LNG này sẽ giúp chúng tôi có thể thoát khỏi khí đốt của Nga”, hãng tin Reuters dẫn lời bà Saarikko cho biết trong một tuyên bố.
Theo nhà điều hành khí đốt Gasgrid của Phần Lan, tổng chi phí của hợp đồng tàu cảng LNG này bao gồm cả hợp đồng thuê, ước tính là 487 triệu USD. Thêm vào đó, hợp đồng còn bao gồm chi phí riêng liên quan đến mức độ sử dụng. Gasgrid cho biết chi tiết rằng tàu cảng này có sức chứa khoảng 68.000 tấn LNG khi đầy, tương đương khoảng 1.050 GWh. Tàu sẽ được nạp LNG khoảng 2 đến 3 lần mỗi tháng.
Giám đốc điều hành của Công ty Excelerate, ông Steven Kobos nói: “Với công suất tái khí hoá hơn 5 tỷ m3 mỗi năm, tàu cảng này có thể dễ dàng lưu trữ lượng khí đốt tiêu thụ kết hợp của cả Phần Lan và Estonia và còn dư nhiều hơn nữa”.
Hồi tháng 4, Phần Lan và Estonia đã công bố ý định thuê chung một cảng nổi để nhập khẩu LNG nhằm thay thế nguồn cung khí đốt hiện tại của Nga.
Phần Lan cho biết họ đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho tình huống Nga - nhà cung cấp năng lượng chính của nước này - cắt nguồn cung khí đốt. Theo Gasum - Tập đoàn năng lượng quốc gia Phần Lan, nhà xuất khẩu Gazprom của Nga đã thông báo với họ rằng Moskva sẽ cắt nguồn cung khí đốt tự nhiên cho nước này từ sáng ngày 21/5, sau khi Helsinki từ chối thanh toán bằng đồng rúp. Công ty Gazprom của Nga sau đó đã xác nhận thông tin trên.
“Vào cuối ngày 20/5, đúng thời hạn thanh toán theo quy định của hợp đồng, Gazprom đã không nhận được khoản thanh toán nguồn cung cấp khí đốt vào tháng 4 từ Gasum. Về vấn đề này, Gazprom đã thông báo cho Gasum về việc ngừng cung cấp khí đốt bắt đầu từ ngày 21/5 cho đến khi họ thực hiện thanh toán theo thủ tục mới”, tuyên bố của công ty Nga cho biết.
Thông báo này được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi Phần Lan chính thức nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Công ty năng lượng Phần Lan khẳng định họ không có ý định chuyển sang một hệ thống thanh toán khí đốt mới và sẽ đệ đơn kiện lên toà án. Về phần mình, Gazprom cho biết họ sẽ bảo vệ lợi ích của mình trong quá trình tố tụng bằng các biện pháp phù hợp.
Trong một tuyên bố, Giám đốc Điều hành của Gasum - Mika Wiljanen - cho hay: “Rất tiếc việc chuyển giao khí đốt tự nhiên trong khuôn khổ hợp đồng giờ sẽ tạm dừng. Tuy nhiên, chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho tình huống này và nếu mạng lưới chuyển khí đốt không bị gián đoạn, chúng tôi vẫn có thể cung cấp khí đốt cho toàn bộ khách hàng trong những tháng tới.”
Gasum cho biết sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt cho các khách hàng trong nước từ các nguồn khác, thông qua đường ống Balticconnector kết nối giữa Phần Lan và Estonia.
Trước đó, Nga đã yêu cầu các quốc gia "không thân thiện" thanh toán các hợp đồng mua khí đốt bằng đồng rúp. Các hợp đồng sẽ bị dừng nếu các khoản thanh toán không được thực hiện bằng tiền tệ của Nga. Vào tháng trước, Moskva đã cắt nguồn cung khí đốt đến Bulgaria và Ba Lan vì hai nước này từ chối thanh toán bằng đồng nội tệ của Nga.