Theo trang Euronews.com, với đường biên giới chung dài 1.300 km, trải qua hơn 100 năm là một phần của Đế chế Nga, Phần Lan được cho là có mối quan hệ gần gũi với nước láng giềng khổng lồ Nga.
Tuy nhiên, nhiều người Phần Lan đã bị bất ngờ trước những diễn biến kể từ ngày 24/2, khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Chỉ trong hai tuần, đã có một sự thay đổi “địa chấn” đối với đời sống chính trị, kinh tế và xã hội ở quốc gia Bắc Âu này. Và câu hỏi về việc nộp đơn xin gia nhập NATO, từ lâu trở thành chủ đề tranh luận công khai hàng đầu, đã quay lại là nội dung số 1 trong các cuộc thảo luận chính trị trên khắp Phần Lan.
"Tôi nghĩ mọi thứ đã thay đổi trong vài tuần. EU đã thay đổi rất nhiều. Và cuộc thảo luận (về gia nhập NATO) cũng đã thay đổi hoàn toàn", Jussi Saramo, Phó lãnh đạo đảng Liên minh Cánh tả của Phần Lan, một trong năm thành viên thuộc liên minh cầm quyền của Chính phủ Phần Lan, nói.
Trước diễn biến tại Ukraine, Liên minh Cánh tả dự kiến khởi động một cuộc tranh luận nội bộ nhằm cải tổ và cập nhật các chính sách đối ngoại và an ninh của họ - thậm chí có thể là chuyển sang tích cực ủng hộ NATO hơn, một điều không tưởng vào thời điểm này hồi tháng trước.
Bên cạnh đó, Chính phủ Phần Lan đã thay đổi một số đường lối chính sách khi chấp thuận xuất khẩu vũ khí tấn công cho Ukraine, cho thấy quan điểm “không chọc giận Nga” đã bị loại bỏ.
Một cuộc thăm dò ý kiến của tất cả 200 nghị sĩ Phần Lan do đài truyền hình công cộng Yle thực hiện trong tuần này, với câu hỏi liệu Phần Lan có nên gia nhập NATO hay không, đã nhận được 58 câu trả lời là “Có”. Chỉ có 9 người trực tiếp nói “Không” và 15 người nói “có thể”, trong khi 118 người không trả lời, cho thấy nhiều nghị sĩ Phần Lan vẫn đang lựa chọn để đưa ra lập trường của riêng mình.
Nếu cuộc thảo luận về quan điểm chính sách an ninh của Phần Lan diễn ra sôi nổi, thì vấn đề các công ty Phần Lan làm ăn với Nga cũng trở thành một chủ đề nóng không kém.
Trong hai tuần gần đây, các sản phẩm của Nga đã được dọn sạch khỏi các kệ siêu thị của Phần Lan với tốc độ chóng mặt; Vodka Nga không còn được bày bán ở các cửa hàng Alko do nhà nước quản lý; các doanh nghiệp Phần Lan cho biết họ sẽ ngừng sử dụng nguyên liệu thô của Nga trong các sản phẩm của mình, ngừng bán hàng tiêu dùng nhập khẩu từ Nga và ngừng bán sản phẩm của họ tại các thị trường Nga.
Một trong hai chuỗi bán lẻ lớn của Phần Lan là S-Group - với thu nhập hàng năm trên 10 tỷ Euro - đang đóng cửa và bán hơn một chục siêu thị ở Nga, đồng thời timfh cách thoái vốn nhanh chóng tại Nga.
Mặc dù Phần Lan chỉ có 4% thương mại xuất khẩu sang Nga và thương mại ở cả hai chiều đều sụt giảm do đại dịch COVID-19, nhưng Phòng Thương mại Helsinki ước tính rằng 90% doanh nghiệp Phần Lan sẽ bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt và thoái vốn tại Nga.