Pakistan kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp cho hơn 50 quốc gia bị khủng hoảng

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, ngày 23/9, Ngoại trưởng Pakistan Bilawal Bhutto Zardari đã kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp cho hơn 50 quốc gia đang phát triển phải hứng chịu nhiều tác động từ các cú sốc như đại dịch COVID-19, giá cả hàng hóa tăng, gia tăng xung đột và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu khi ông nhấn mạnh lũ lụt tàn phá Pakistan.

Chú thích ảnh
Cảnh ngập lụt sau những trận mưa lớn tại Rajanpur, tỉnh Punjab, Pakistan. Ảnh: THX/TTXVN

Khi chủ trì cuộc họp cấp bộ trưởng Nhóm G77 (Nhóm quốc gia đang phát triển) và Trung Quốc tại Mỹ, Ngoại trưởng Bilawal nói: “Các quốc gia và người dân của chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức to lớn; chúng ta cần thay đổi các chính sách và cấu trúc vốn gây ra tình trạng bất bình đẳng và nghèo đói dai dẳng”.

Pakistan hiện là chủ tịch của Nhóm G77 và Trung Quốc. Nhóm này hiện có 134 thành viên và là nhóm liên chính phủ lớn nhất của Liên hợp quốc gồm các quốc gia mới nổi. Trong bài phát biểu với tư cách Chủ tịch nhóm, Ngoại trưởng Bilawal nêu rõ: “Những thách thức của chúng ta ngày càng trầm trọng hơn do sự thiếu đoàn kết giữa các 'đối tác' là các nước phát triển của chúng ta. Hậu quả là, giờ đây chúng ta phải đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng đan xen về lương thực, nhiên liệu và tài chính”. Bên cạnh đó, ông Bilawal đã kêu gọi tăng cường nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và tài chính ưu đãi.

Ngoại trưởng Bilawal nhấn mạnh: “Chúng tôi hoan nghênh đề xuất (của Tổng thư ký Liên hợp quốc) về các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) trị giá 500 tỷ USD nhằm tạo điều kiện cho những quốc gia đang gặp khó khăn kinh tế nghiêm trọng phục hồi nền kinh tế và các mục tiêu phát triển của họ”. Ông cũng kêu gọi cung cấp lương thực khẩn cấp thông qua Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho 250 triệu người gặp khó khăn; tiếp tục điều chỉnh giá bằng cách mở rộng sản xuất và cung cấp lương thực, hỗ trợ nông dân tiếp cận nguồn cung hạt giống, phân bón và tài chính.

Theo Ngoại trưởng Pakistan, “chúng ta sẽ không an toàn nếu không có sự hỗ trợ, đoàn kết và thống nhất với nhau. Hãy để sự tương trợ đoàn kết và thống nhất này trở thành kim chỉ nam của chúng ta khi chúng ta xây dựng một ngày mai tốt đẹp hơn và thịnh vượng cho người dân của mình”.

Ngọc Thúy (TTXVN)
Tác động mới của cuộc khủng hoảng năng lượng đối với kinh tế châu Âu
Tác động mới của cuộc khủng hoảng năng lượng đối với kinh tế châu Âu

Khủng hoảng năng lượng khiến nhiều ngành công nghiệp châu Âu đóng cửa, làm dấy lên nguy cơ về cuộc suy thoái kinh tế sâu rộng trên toàn châu Âu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN