Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, sự điều chỉnh trên có nghĩa là OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng 7,2 triệu thùng/ngày - tương đương 7% nhu cầu toàn cầu - từ tháng 1/2021, thấp hơn so với mức cắt giảm 7,7 triệu thùng/ngày hiện nay. Các biện pháp hạn chế đang được thực hiện để đối phó với tình trạng sụt giảm nhu cầu dầu mỏ trong bối cảnh làn sóng COVID-19 thứ 2 đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới.
Cùng ngày, Bộ Năng lượng Kazakhstan ra thông báo xác nhận việc OPEC+ đã đồng ý tăng sản lượng dầu thêm 500.000 thùng/ngày vào tháng 1 tới. Ngoài ra, OPEC+ đã nhất trí nhóm họp hàng tháng, bắt đầu từ tháng 1/2021, để quyết định chính sách của liên minh này.
OPEC+ trước đó được cho là sẽ kéo dài các đợt cắt giảm sản lượng hiện tại cho đến ít nhất là tháng 3/2021. Tuy nhiên, sau khi những hy vọng và tín hiệu tích cực về một số loại vaccine ngừa COVID-19 được cấp phép đã thúc đẩy một đợt tăng giá dầu vào cuối tháng 11 vừa qua, một số nhà sản xuất bắt đầu đặt câu hỏi về sự cần thiết của yêu cầu kiểm soát chặt chẽ chính sách dầu mỏ theo chủ trương của quốc gia đứng đầu OPEC là Saudi Arabia.
Theo các nguồn tin trên, Nga, Iraq, Nigeria và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ở một mức độ nhất định đều bày tỏ sự quan tâm đến việc cung cấp thêm dầu ra thị trường trong năm 2021. Bốn nguồn tin từ OPEC+ cho biết liên minh này sẽ nhóm họp hàng tháng để quyết định những chính sách về sản lượng sau tháng 1 tới và mức tăng hàng tháng được cho là khó có thể vượt quá 500.000 thùng/ngày.
OPEC+ phải đạt được sự cân bằng, cho dù là mong manh, giữa việc đẩy giá dầu lên đủ để giúp củng cố ngân sách của các quốc gia thành viên, nhưng không quá nhiều để khiến sản lượng của đối thủ Mỹ tăng vọt. Giá dầu đá phiến của Mỹ có xu hướng tăng trên 50 USD/thùng.
Những cuộc họp hàng tháng của OPEC+ được cho là sẽ khiến giá cả thị trường biến động mạnh hơn và làm phức tạp thêm việc bảo hiểm rủi ro cho các nhà sản xuất dầu của Mỹ. Giá dầu thô ít thay đổi sau quyết định của OPEC+ và duy trì ở mức khoảng 48 USD/thùng.