OPEC kêu gọi COP29 tập trung hơn vào vấn đề cắt giảm lượng khí thải

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 20/11, phát biểu tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra tại thủ đô Baku của Azerbaijan, Tổng thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Haitham Al-Ghais đã nêu bật vai trò quan trọng của dầu mỏ và khí đốt tư nhiên, đồng thời nhấn mạnh các cuộc đàm phán về sự nóng lên toàn cầu nên tập trung vào vấn đề cắt giảm khí thải, chứ không phải việc lựa chọn nguồn năng lượng.

Chú thích ảnh
Tổng Thư ký OPEC Haitham al-Ghais. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Al-Ghais nêu rõ: "Dầu mỏ và khí đốt tự nhiên tác động đến cách chúng ta sản xuất, đóng gói và vận chuyển thực phẩm cũng như cách chúng ta thực hiện các nghiên cứu, sản xuất, phân phối và cung cấp vật tư y tế". Tổng thư ký OPEC cho rằng các chính phủ trên thế giới, vốn đã nhất trí hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp tại COP21 diễn ra ở Paris (Pháp) vào năm 2015, có thể đạt được các mục tiêu khí hậu của mình mà không cần phải xa lánh dầu mỏ, vì trọng tâm của Thỏa thuận Paris là giảm lượng khí thải, chứ không phải chọn nguồn năng lượng. OPEC từng khẳng định các công nghệ như thu giữ carbon có thể giải quyết các tác động khí hậu từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch.

Trong khi đó, ông Mohamed Hamel, Tổng thư ký Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt (GECF), một nhóm các quốc gia xuất khẩu khí đốt, cũng đã có bài phát biểu tại COP29 nhằm bày tỏ ủng hộ nhiên liệu hóa thạch. Ông Hamel lưu ý rằng khi dân số thế giới tăng lên, nền kinh tế mở rộng và điều kiện sống của người dân được cải thiện, thế giới sẽ cần nhiều khí đốt tự nhiên hơn, chứ không phải ít hơn. Ông cũng bày tỏ hy vọng một thỏa thuận tại COP29 về tài chính khí hậu quốc tế sẽ cho phép hỗ trợ các dự án khí đốt tự nhiên để giúp các quốc gia chuyển đổi khỏi nhiên liệu bẩn hơn như than đá.

Tổng thư ký GECF nhận định kết quả của COP29 sẽ tạo điều kiện tài chính cho các dự án khí đốt tự nhiên và phát triển các công nghệ sạch hơn như thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon, khẳng định điều này sẽ góp phần đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng toàn diện và có trật tự để không ai bị bỏ lại phía sau.

Các nhà khoa học khí hậu cảnh báo rằng vào đầu những năm 2030, thế giới có thể phá vỡ mức giới hạn nóng lên toàn cầu 1,5 độ C, ngưỡng mà các tác động khí hậu thảm khốc có thể xảy ra. Còn theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), thế giới có thể sẽ chứng kiến mức nóng lên toàn cầu tới 3,1 độ C vào cuối thế kỷ này.

Nguyễn Trường (TTXVN)
OPEC 'lạc lối' giữa sóng gió toàn cầu
OPEC 'lạc lối' giữa sóng gió toàn cầu

Năm nay, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác (còn gọi là OPEC+) đã gặp không ít khó khăn trong việc quản lý nguồn cung lẫn biến động của giá dầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN