OECD đình chỉ đàm phán về vị thế thành viên của Nga

Trước thềm cuộc trưng cầu ý dân của nước CH tự trị Crimea (Crưm) thuộc Ukraine về việc sáp nhập vào LB Nga, dự kiến vào ngày 16/3 tới, phương Tây tiếp tục gia tăng sức ép với Nga trong xử lý cuộc khủng hoảng tại Ukraine sau khi Moskva kiên quyết từ chối đối thoại với chính phủ tạm quyền tại Kiev và tiếp tục kêu gọi các bên thực thi thỏa thuận đã đạt được về cải cách Hiến pháp.

Trong một diễn biến mới nhất, ngày 13/3, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã tuyên bố đình chỉ tiến trình đàm phán gia nhập tổ chức này của Nga, đồng thời tuyên bố đẩy mạnh các kênh hợp tác với Ukraine. Tuyên bố của OECD, một diễn đàn chính sách quan trọng của các nền dân chủ phát triển, nêu rõ quyết định trên được đưa ra theo đề nghị của 37 quốc gia thành viên và đã được thông báo với Nga.

Ngoài ra, các nước OECD cũng nhất trí rằng tổ chức này cần có các "phản ứng tích cực" với yêu cầu của Ukraine về củng cố cơ chế hợp tác song phương hiện có. Theo OECD, tăng cường hợp tác với Ukraine có thể giúp nước đang rơi vào khủng hoảng này tận dụng được những kinh nghiệm của OECD trong giải quyết các thách thức chính sách công đang phải đối mặt.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Italia Matteo Renzi tại cuộc họp bất thường về tình hình Ukraine tại trụ sở EU ngày 6/3. Ảnh: AFP-TTXVN



Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo các lợi ích kinh tế và chính trị của Nga sẽ bị tổn hại nghiêm trọng trong một thời gian dài nếu nước này tiếp tục bảo lưu lập trường trong vấn đề tự trị của nước CH Crimea (Crưm) thuộc Ukraine.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu trước Quốc hội Đức, bà Merkel nhấn mạnh nếu Nga không thay đổi lập trường, tình hình sẽ trở nên hết tồi tệ không chỉ với Ukraine mà cả Nga. Điều này sẽ không chỉ làm thay đổi quan hệ của Liên minh châu Âu (EU) với Nga, mà còn gây ra những thiệt hại kinh tế và chính trị nghiêm trọng cho Moskva.

Nhà lãnh đạo Đức cảnh báo EU có thể thực thi cấp độ trừng phạt thứ ba đối với Nga, song bác bỏ hành động quân sự để giải quyết vấn đề. Theo bà, cấp độ trừng phạt thứ hai của EU (theo kế hoạch là phong tỏa tài khoản và cấm đi lại) sẽ sớm có hiệu lực nếu Nga không làm dịu tình hình. Trong trường hợp tình hình tại Ukraine không được cải thiện, EU thậm chí có thể sẽ áp đặt cấp độ trừng phạt thứ ba.

Thủ tướng Đức cũng khẳng định EU và Mỹ vẫn tìm kiếm một giải pháp chính trị cho vấn đề Ukraine, ám chỉ tới việc lập một nhóm tiếp xúc đối thoại giữa Moskva và Kiev - vấn đề cho tới nay phía Nga vẫn từ chối. Bà cũng cho rằng hành động quân sự không phải là cách để giải quyết.

Trong một diễn biến liên quan, Quốc hội Ukraine cùng ngày đã kêu gọi Liên hợp quốc (LHQ) thảo luận về tình hình trên Bán đảo Crimea, đồng thời khẳng định Kiev có quyền yêu cầu các quốc gia cụ thể giúp đỡ giải quyết vấn đề tại đây.

Trong cuộc tranh luận diễn ra vài giờ trước khi Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseny Yatseniuk có bài phát biểu trước Hội đồng Bảo an LHQ tại New York, một số nghị sỹ Ukraine đã yêu cầu cần có một lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ, mặc dù nghị quyết được thông qua không ghi rõ hình thức trợ giúp này.

Tổng cộng 250/450 nghị sĩ Ukraine thông qua đơn thỉnh cầu gửi lên LHQ và cho biết Ukraine có quyền yêu cầu "bất cứ quốc gia hay hệ thống an ninh tập thể khu vực nào giúp đỡ trong việc bảo vệ chủ quyền", ám chỉ việc nước CH tự trị Crimea muốn sáp nhập vào Nga. Trong cuộc bỏ phiếu thứ hai, Quốc hội Ukraine đã thông qua một văn kiện xác nhận Ukraine muốn liên kết chặt chẽ hơn với EU.



TTXVN/Tin tức
EU lên 'Danh sách đen' trừng phạt Nga
EU lên 'Danh sách đen' trừng phạt Nga

Báo Độc lập (Nga) đã ghi nhận việc Liên minh châu Âu (EU) lập Danh sách đen gồm 18 quan chức Nga liên quan cái gọi là sự "can thiệp quân sự" vào bán đảo Crimea (Crưm), nước cộng hòa tự trị thuộc Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN