Ông Naruhito chắc chắn sẽ học hỏi được nhiều điều từ kinh nghiệm và uy tín của người cha đáng kính, nhưng tân Nhật hoàng từng theo học tại Oxford, Anh, được cho là sẽ có những quan điểm và cách trị vì của riêng mình.
Giống như cha, ông nội và các Thiên hoàng trước nữa trong dòng dõi hoàng gia có lịch sử từ năm 660, Nhật hoàng Naruhito sẽ mang theo hy vọng và kỳ vọng của cả đất nước trên vai.
Sau khi đảm nhận vai trò Tenno (Thiên hoàng), Nhật hoàng Naruhito chắc chắn sẽ học hỏi từ những lời chỉ bảo và kinh nghiệm của chính cha mình, cựu Nhật hoàng Akihito. Nhưng tânNhật hoàng cũng sẽ nhận thức sâu sắc rằng Nhật Bản và thế giới rộng lớn bên ngoài là những nơi rất khác so với khi cha ông lên ngôi vào tháng 1/1989.
“Nhật hoàng Akihito đã nhận được sự ủng hộ lớn từ người dân Nhật Bản trong suốt kỷ nguyên Heisei”, ông Hideya Kawanishi, Phó Giáo sư chuyên về hoàng gia Nhật Bản tại Đại học Nagoya phát biểu với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng. “Tân Nhật hoàng cũng sẽ được đòi hỏi phải thể hiện quan điểm của mọi người, nhưng là một người cá tính đồng nghĩa ông sẽ phải rất nỗ lực để đáp ứng những kỳ vọng của thần dân”.
Mối quan hệ với Thủ tướng
Nhật hoàng Naruhito chắc chắn có nhiều điểm chung với cha mình, người đã giành được nhiều tình cảm từ công chúng nhờ phong thái cá nhân và rất nhiều chuyến thăm ân cần đến các vùng trên khắp đất nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, đặc biệt là khu vực Đông Bắc Nhật Bản sau thảm hoạ động đất - sóng thần tháng 3/2011. Hình ảnh Nhật hoàng và Hoàng hậu quỳ gối nói chuyện với những người dân mất tất cả nhà cửa sau thảm hoạ đã in sâu trong ký ức người dân.
“Tuy nhiên, bầu không khí khi chúng ta bước vào thời đại Reiwa đã thay đổi so với thời kỳ Heisei, vì vậy tôi tin rằng Nhật hoàng mới cũng sẽ thay đổi hành vi của mình, cho dù tôi cũng cho rằng ông sẽ có cách bày tỏ ý kiến của mình sao cho đáp ứng sự mong đợi của mọi người”, ông Kawanishi, tác giả của nhiều cuốn sách viết về Hoàng gia Nhật, trong đó có cuốn “Nhật Hoàng Akihito và nước Nhật thời hậu chiến”, nhận định.
Jun Okumura, một nhà phân tích chính trị tại Viện Các vấn đề toàn cầu Meiji, cũng cho biết Nhật hoàng Naruhito sẽ duy trì phong cách trị vì của người cha mà ông vốn ngưỡng mộ, và trong mối quan hệ với Thủ tướng Shinzo Abe, người chưa bao giờ giữ bí mật về lập trường bảo thủ, cả hai sẽ kiềm chế lập trường của mình để giữ một khoảng cách tôn trọng dành cho nhau.
“Tôi mong đợi được nhìn thấy ở Nhật hoàng Naruhito sự nhận thức, đức tính siêng năng và tất cả các đức tính khác mà Nhật hoàng Akihito đã thể hiện”, ông Ok Okumura bày tỏ. "Tôi tin rằng Thủ tướng Abe sẽ rất tôn trọng tân hoàng đế và tôi không thấy khả năng ông sẽ vượt qua giới hạn của hiến pháp về bất kỳ vấn đề nào có thể gây lo ngại sau khi tân hoàng đế lên ngôi".
Mặc dù vậy, Phó giáo sư Kawanishi không chắc chắn lắm về điều đó và cho rằng ông Abe có thể tìm cách “sử dụng” tân Nhật hoàng.
Ông Kawanishi cho rằng, theo bản hiến pháp mới được đề xuất bởi Đảng Dân chủ Tự do, hệ thống quyền lực hoàng gia sẽ được củng cố, đề cập đến vai trò lớn của Nhật hoàng thời kỳ trước chiến tranh cũng như việc trao quyền cho Nhật hoàng lên tiếng về các vấn đề chính trị. “Cựu Nhật hoàng Akihito không ủng hộ điều đó và mặc dù tôi tin rằng bề ngoài Nhật hoàng mới sẽ tỏ ra thân thiện với thủ tướng, tôi cảm thấy ông cũng phản đối kế hoạch của ông Abe về củng cố hệ thống hoàng gia”, Phó giáo sư Kawanishi nhận xét.
Làn gió mới ở Hoàng gia
Nền tảng học vấn quốc tế của Nhật hoàng Naruhito cũng có khả năng ảnh hưởng đến hành động và suy nghĩ của ông. Năm 1983, ông theo học trường Merton College, Oxford, và từng viết về quãng thời gian này trong cuốn sách “The Thames and I - A Memoir of Two Years at Oxford” (Sông Thames và Tôi – Hồi ức 2 năm ở Oxford).
Những năm ở Anh, ông Naruhito đã có nhiều thời gian với Hoàng gia Anh, ông từng bày tỏ sự kinh ngạc khi thấy họ thoải mái như thế nào so với những trải nghiệm của chính mình nơi hoàng cung. Thời gian này, Thái tử cũng đi trượt tuyết với Hoàng tử Liechtenstein Hans-Adam II, đi nghỉ ở Mallorca cùng Vua Tây Ban Nha Juan Carlos I, đi thuyền với Vua Harald V và Nữ hoàng Sonja của Na Uy, cũng như có thời gian thăm Nữ hoàng Hà Lan Beatrix.
“Thời gian Thái tử học tập ở Anh đã có ảnh hưởng lớn đến cách suy nghĩ của ông”, ông Kawanishi nói. “Ông tin rằng cần phải sống gần gũi với người dân, giống như Hoàng gia Anh. Naruhito cũng tin rằng mình phải tích cực tham gia công tác từ thiện và Hoàng gia phải trở nên quốc tế hơn”.
Ông Kawanishi dự đoán, dưới thời Thiên hoàng Naruhito, Hoàng gia Nhật sẽ có mối quan hệ chặt chẽ hơn với các hoàng gia châu Âu, đặc biệt là với Hoàng gia Hà Lan, nơi đã nồng nhiệt chào đón Công nương Masako khi bà tới đây chữa bệnh.
Và trong khi các nhà phân tích tin rằng cựu Nhật hoàng Akihito sẽ sẵn sàng cho con trai mình lời khuyên về các vấn đề quan trọng, thì thực tế Nhật hoàng thoái vị lại thích để Naruhito tự xác định con đường của mình hơn.
“Sau khi thoái vị, cựu Nhật hoàng Akihito sẽ có những vai trò công khai rất hạn chế và sẽ làm tất cả những gì có thể ở hậu trường vì ông không muốn trở thành cái bóng phủ lên chính con trai mình”, nhà phân tích Ok Okura nhận định. “Tôi nghĩ rằng cựu Nhật hoàng sẽ sống tiếp phần còn lại của cuộc đời với ít ồn ào nhất có thể và rõ ràng ông không có tham vọng về bất kỳ vai trò nào trước công chúng”.
Về phần mình, trong phát biểu đầu tiên gửi tới toàn dân trong ngày đăng cơ, Nhật hoàng Naruhito cam kết sẽ hành động theo Hiến pháp, suy nghĩ và phụng sự lợi ích của người dân. "Tôi cam kết sẽ luôn luôn nghĩ tới người dân, gần gũi với họ, hoàn thành mọi nhiệm vụ của mình dưới vai trò biểu tượng của nước Nhật và sự thống nhất của người dân Nhật Bản trong sự tuân thủ hiến pháp... Tôi chân thành mong muốn hạnh phúc cho người dân, sự tiến bộ hơn nữa của đất nước và hoà bình thế giới".