Nước ngầm tại EU nhiễm hóa chất vĩnh cửu ở mức 'đáng báo động'

Ngày 27/5, Mạng lưới Hành động chống Thuốc trừ sâu của châu Âu (PAN Europe) cho biết các sông, hồ và nước ngầm ở Liên minh châu Âu (EU) đang nhiễm một loại "hóa chất vĩnh cửu" ở mức độ "đáng báo động". Loại hóa chất do con người tạo ra này có liên quan đến thuốc trừ sâu tổng hợp.

Theo một báo cáo mới, PAN Europe và các thành viên của mạng lưới đã phân tích hơn 20 mẫu nước mặt và nước ngầm thu thập được từ 10 quốc gia EU và phát hiện ra hóa chất vĩnh cửu PFAS có trong tất cả các mẫu nước này. Báo cáo nêu rõ khoảng 79% mẫu nước phân tích có mức độ dư thừa hóa chất đặc biệt axit trifluoroacetic (TFA) cao hơn giới hạn 500 ng/l trên tổng PFAS theo quy định trong Chỉ thị về Nước uống của EU. Các mẫu do Trung tâm Công nghệ nước ở thành phố Karlsruhe của Đức phân tích cũng đều chứa TFA, với nồng độ dao động từ 370 nanogram/lít đến 3.300 ng/L. Những mức độ ô nhiễm này là "đáng báo động và cần có hành động quyết đoán". 

Cũng theo báo cáo, TFA có khả năng hòa tan cao trong nước, cực kỳ di động và tránh được đất cũng như các bộ lọc tự nhiên khác giúp loại bỏ các chất ô nhiễm. Chúng có thể ngấm vào mạch nước ngầm và tồn tại ở đó trong nhiều thế kỷ. Quyết định xếp TFA "không liên quan" theo các quy định về thuốc trừ sâu của EU là điều "đáng tiếc" vì "hồ sơ độc tính của hóa chất này vẫn để lại nhiều câu hỏi chưa có lời giải."

Báo cáo cho biết thêm rằng trong một nghiên cứu gần đây ở thỏ về việc phơi nhiễm TFA, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra dị tật bẩm sinh ở các thế hệ thỏ con. Điều đó làm dấy lên nhiều quan ngại về tác động nguy hại của hóa chất này. 

Thông qua những phân tích và nghiên cứu trên, PAN Europe kêu gọi can thiệp khẩn cấp để loại bỏ hóa chất vĩnh cửu, bắt đầu bằng "lệnh cấm nhanh chóng" đối với thuốc trừ sâu PFAS - nguồn chính phát tán TFA- và nhìn nhận lại một cách thấu đáo về mối đe dọa do từng loại hóa chất như TFA gây ra.

Được sử dụng rộng rãi trong các vật dụng hàng ngày như mỹ phẩm, chảo chống dính và bình chữa cháy, PFAS là những sản phẩm có độ bền cao và có thể mất hàng thế kỷ để phân hủy. Chúng đã được phát hiện trong nước, không khí, cá và đất ở những nơi xa xôi nhất trên thế giới. Chúng cũng được thải vào khí quyển từ một số hệ thống làm mát nhất định và cuối cùng đi vào chu trình nước thông qua mưa. Mối lo ngại về tác động có thể có của hóa chất vĩnh cửu này đối với sức khỏe con người đang ngày càng tăng.

Minh Tâm (TTXVN)
Cảnh báo nguy cơ động vật hoang dã nhiễm hóa chất vĩnh cửu
Cảnh báo nguy cơ động vật hoang dã nhiễm hóa chất vĩnh cửu

Nhóm Công tác môi trường - một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ - ngày 22/2 cảnh báo các loại “hóa chất vĩnh cửu” độc hại, còn được biết đến với tên gọi tắt là PFAS, đang gây ô nhiễm và có nguy cơ gây hại tới hàng trăm loài động vật hoang dã trên thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN