Trong khi giới lãnh đạo doanh nghiệp nhận ra tình hình, người dân cảm nhận được sự bất ổn, thì các chính trị gia vẫn loay hoay tìm giải pháp.
Nền kinh tế Đức, sau 5 năm trì trệ, hiện giảm hơn 5% so với mức có thể đạt được nếu xu hướng tăng trưởng trước đại dịch COVID-19 được duy trì.
Điều đáng lo ngại hơn là các chuyên gia của Bloomberg Economics cho rằng phần lớn mức suy giảm này sẽ rất khó phục hồi, do các cú sốc về cấu trúc như mất nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga và việc các hãng xe như Volkswagen hay Mercedes-Benz hụt hơi trước các đối thủ Trung Quốc.
Việc mất đi tính cạnh tranh quốc gia đã khiến mỗi hộ gia đình Đức thiệt hại khoảng 2.500 euro mỗi năm.
Với việc Thủ tướng Olaf Scholz được dự đoán sẽ thất bại trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm dự kiến diễn ra ngày 16/12 (giờ địa phương), Đức có thể sẽ tổ chức bầu cử sớm.
Ông Amy Webb, Giám đốc điều hành Viện tương lai hôm nay (chuyên tư vấn chiến lược cho các công ty Đức), cảnh báo: "Sự suy giảm của Đức không xảy ra trong một sớm một chiều. Điều đó làm cho viễn cảnh này càng thêm khủng khiếp. Đây là một sự suy thoái rất chậm và kéo dài, không chỉ của một công ty, một thành phố, mà là của cả một quốc gia. Và điều đó sẽ kéo cả châu Âu đi xuống".
Hệ quả là Đức mất dần vị thế trong lĩnh vực sản xuất đòi hỏi nhiều năng lượng, xuất khẩu giảm sút, và các công ty hạn chế đầu tư trong nước. Khi mức sống giảm, người dân tìm kiếm ai đó để đổ lỗi, từ đó làm gia tăng căng thẳng xã hội và khiến Đức khó thu hút nhân tài nước ngoài. Các vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến riêng Đức, mà còn tạo hiệu ứng tiêu cực lan rộng khắp châu Âu.
Cuộc khủng hoảng này được coi là lớn nhất kể từ khi nước Đức thống nhất, trong bối cảnh đất nước đang chia rẽ sâu sắc. Cuộc bầu cử vào tháng 2 tới (dự kiến 23/2/2025) sớm hơn 7 tháng so với kế hoạch, dự báo sẽ khó mang lại một chính quyền ổn định, khi cử tri chia rẽ giữa các đảng truyền thống và các đảng cực đoan như AfD (cánh hữu) và BSW (cánh tả).
Các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp liên tục kêu gọi cải cách nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và đẩy nhanh số hóa. Tuy nhiên, sự phân cực chính trị khiến chính sách tập trung vào bảo vệ hiện trạng hơn là định hướng tương lai.
Để hồi sinh tính cạnh tranh, Đức cần đầu tư mạnh tay hơn. Theo Bloomberg Economics, nước này cần tăng đầu tư hàng năm vào cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công thêm 1/3, lên khoảng 160 tỷ euro, tương đương hơn 1% GDP. Tuy nhiên, với hệ thống chính trị phân mảnh, việc thay đổi các quy định tài chính nghiêm ngặt vẫn là thách thức lớn.
Dù vậy, không phải mọi thứ đều u ám. Đức vẫn có các công ty nhỏ dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực của họ. Đổi mới sáng tạo sẽ là chìa khóa để những doanh nghiệp này tiếp tục giữ vững vị trí trong tương lai.
Thách thức là không thể phủ nhận, nhưng việc nhận diện rõ các vấn đề và hành động kịp thời sẽ giúp Đức tìm lại vị thế kinh tế hàng đầu châu Âu và hỗ trợ khu vực đối mặt với các thách thức từ Trung Quốc, Nga và Mỹ.