Núi Ruang bắt đầu phun trào vào cuối ngày 16/4, phun tro bụi cao tới 3.000m, gây ra mưa tro kèm theo đá, sỏi và lan đến các khu dân cư trên bờ biển Tagulandang. Để tránh tác động nghiêm trọng của vụ phun trào, chính quyền địa phương đã sơ tán 828 cư dân của 2 làng trong khu vực bị ảnh hưởng và ban bố tình trạng ứng phó khẩn cấp.
Các quan chức vào sáng 19/4 cho biết núi lửa Ruang đã tạm yên ắng. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau đó, ngọn núi lửa bắt đầu phun tro bụi. Cơ quan nghiên cứu núi lửa của Indonesia cho biết vụ phun trào mới nhất xảy ra vào lúc 17h 6 phút (giờ địa phương), tạo ra một cột khói cao 400m, hướng về phía Nam.
Trước đó, ngày 16/4, Trung tâm Núi lửa và Giảm nhẹ thiên tai địa chất (PVMBG) đã nâng cảnh báo trạng thái hoạt động của núi Ruang lên cấp IV (cấp cảnh báo nguy hiểm). Việc nâng mức cảnh báo tình trạng núi lửa lên cao nhất được đưa ra sau quá trình núi lửa Ruang liên tục gia tăng hoạt động kể từ đầu tháng này. Hai núi lửa khác là Awu và Karangetang, nằm gần núi Ruang cũng được đưa vào trạng thái giám sát chặt chẽ vì có dấu hiệu gia tăng hoạt động địa chấn.
PVMBG đã đưa ra một số khuyến nghị để cộng đồng và du khách cảnh giác, không đi vào khu vực bán kính 6 km tính từ tâm miệng núi lửa Ruang đang hoạt động, đồng thời khuyến cáo về khả năng xảy ra phun trào nham thạch, mây nóng, nước dâng và sóng thần.
Lần phun trào lớn gần đây nhất của núi Ruang là vào năm 2002, khi đó người dân cũng phải sơ tán.
Indonesia, một quốc đảo rộng lớn, thường xuyên phải hứng chịu các hoạt động địa chấn và núi lửa do nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương.