Theo thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra ngày 2/7, Novartis đã đồng ý trả hơn 51 triệu USD để giải quyết các cáo buộc chi tiền qua 3 quỹ từ thiện của công ty để trang trải các khoản chi cho các bệnh nhân dùng bảo hiểm Medicare để họ mua thuốc Gilenya chữa bệnh đa xơ cứng và thuốc Afinitor điều trị ung thư thận của hãng. Ngoài ra, hãng dược của Thụy Sĩ này cũng sẽ trả 678 triệu USD cho Chính phủ Mỹ và một số bang của Mỹ nhằm dàn xếp các cáo buộc hối lộ các bác sĩ để kê đơn thuốc của mình.
Theo đó, Novartis bị cáo buộc đã tổ chức hàng chục nghìn chương trình và sự kiện, đồng thời chi tiền để các bác sĩ đến làm diễn giả - điều mà Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng nhằm mục đích lôi kéo các bác sĩ kê đơn các loại thuốc tim mạch và tiểu đường của mình nhiều hơn. Bộ Tư Pháp Mỹ cho biết những hành động trên đã được ban lãnh đạo cấp cao tại trụ sở của Novartis ở New Jersey quyết định.
Quyền Trưởng Công tố Audrey Strauss ở quận Mahattan cho biết trong hơn 1 thập niên qua, Novartis đã chi hàng trăm triệu USD cho các chương trình có diễn giả, bao gồm chi phí diễn thuyết hay các bữa ăn đắt đỏ, "không khác gì hành vi hối lộ" để các bác sĩ trên khắp nước Mỹ kê đơn thuốc của hãng. Do đó, chương trình y tế quốc gia đã phải chi hàng trăm triệu USD cho các đơn thuốc được kê nhờ tiền đút lót bác sĩ.
Trong khi đó, Thứ trưởng Tư pháp Mỹ Jody Hunt nhấn mạnh qua thỏa thuận dàn xếp trên, Chính phủ Mỹ đã thể hiện cam kết nhằm đảm bảo các hãng dược không hối lộ để tìm cách gây ảnh hưởng khiến các bác sĩ kê đơn cũng như các bệnh nhân mua thuốc của mình.
Về phần mình, Giám đốc điều hành Novartis Vas Narasimham mô tả thỏa thuận dàn xếp trên như "dấu mốc quan trọng trên hành trình xây dựng niềm tin với xã hội của chúng tôi". Ông khẳng định những hành động sai lầm trên đã thuộc về quá khứ và giờ đây Novartis đã là một công ty hoàn toàn khác với Ban lãnh đạo mới và cam kết lấy việc tuân thủ các quy tắc đạo đức một cách toàn diện hơn là trọng tâm mà công ty hướng tới.