Tổng thống Trump đề xuất kế hoạch Mỹ “tiếp quản” Dải Gaza
Tổng thống Trump phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sau cuộc hội đàm tại Nhà Trắng hôm 4/2, Tổng thống Trump đã đưa ra đề xuất di dời người Palestine đến các nước khác và biến vùng lãnh thổ này thành “Riviera của Trung Đông”.
Ông Trump mong muốn Mỹ có thể tiếp quản và “sở hữu lâu dài” Dải Gaza, giúp tái thiết vùng lãnh thổ này, qua đó mang lại sự ổn định lớn cho khu vực này và có thể là toàn bộ Trung Đông. Ông chủ Nhà Trắng cũng cho biết kế hoạch này sẽ tạo ra “hàng nghìn việc làm”, đồng thời cam kết sẽ đến thăm Gaza.
Sau đề xuất gây sốc của ông Trump, Palestine, phong trào Hồi giáo Hamas và hàng loạt nước trên thế giới đã lên tiếng phản đối.
Palestine đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới và cộng đồng quốc tế cần tôn trọng nguyện vọng của người Palestine muốn ở lại Gaza. Tổ chức Giải phóng Palestine phản đối mạnh mẽ phát biểu của ông Trump, nhấn mạnh giải pháp hai nhà nước là con đường khả thi duy nhất dẫn đến hòa bình và ổn định. Hamas kêu gọi các nỗ lực ngoại giao phối hợp ở cả cấp độ các nước Arab và quốc tế, nhấn mạnh sự cần thiết phải có lập trường thống nhất đối với bất kỳ đề xuất nào làm suy yếu các quyền của người Palestine hoặc nhằm di dời họ khỏi vùng đất của mình.
Nhiều nước trên thế giới cho rằng cách duy nhất để giải quyết xung đột Trung Đông là thông qua việc thành lập một nhà nước Palestine tồn tại song song với Israel. Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng, đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phá vỡ chính sách kéo dài hàng thập kỷ của Mỹ đối với khu vực này. Việc cưỡng ép người dân Gaza di dời có thể sẽ vi phạm luật pháp quốc tế và sẽ bị phản đối dữ dội không chỉ trong khu vực mà còn bởi các đồng minh phương Tây của Mỹ.
Các nhà quan sát nhận định đề xuất của Tổng thống Trump về việc di dời người dân Palestine khỏi Gaza và tiến hành tiếp quản vùng đất bị chiến tranh tàn phá này có thể gây tổn hại đến triển vọng ổn định của khu vực.
Ông Nader Hashemi, Phó giáo sư về chính trị Trung Đông và Hồi giáo Đại học Georgetown, nhấn mạnh: “Đây là thời điểm rất nguy hiểm, rất khó khăn, đặc biệt là đối với người dân Gaza và đề xuất của ông Trump về Gaza sẽ gây ra những hậu quả rất lâu dài đối với vấn đề hòa bình, an ninh quốc tế và những gì cấu thành nên trật tự thế giới”.
Các nước phản ứng với chính sách thuế quan của Mỹ
Cảng hàng hóa tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXV
Tổng thống Trump đã ra lệnh áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico, và 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 4/2 để đối phó với tình trạng khẩn cấp quốc gia về fentanyl (một loại thuốc giảm đau gây nghiện) và dòng người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ. Trong đó, sản phẩm năng lượng từ Canada chỉ chịu thuế 10%, nhưng mặt hàng năng lượng nhập khẩu từ Mexico sẽ bị áp mức thuế đầy đủ 25%.
Cùng với đó, Tổng thống Trump tuyên bố “tình trạng khẩn cấp quốc gia” theo Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế để ủng hộ các mức thuế này. Tổng thống Trump cũng cam kết sẽ áp thêm thuế đối với mặt hàng năng lượng, chất bán dẫn và các mặt hàng nhập khẩu khác trong tương lai gần. Sau đó, Nhà Trắng cảnh báo tiếp tục tăng thuế nếu Mexico, Canada, Trung Quốc trả đũa. Ngoài việc áp đặt thuế với Canada, Mexico và Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Trump còn để ngỏ khả năng sẽ áp thuế đối với các sản phẩm của Liên minh châu Âu (EU) trong tương lai.
Ngay sau khi bị Mỹ áp thuế, Tổng thống Mexico yêu cầu Bộ trưởng Kinh tế nước này triển khai “Kế hoạch B” bao gồm các biện pháp cả thuế quan và phi thuế quan để bảo vệ lợi ích đất nước.
Về phía Canada, ngay sau tuyên bố của Tổng thống Trump, Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 1/2 đã tuyên bố sẽ áp mức thuế 25% lên hàng hóa Mỹ trị giá khoảng 107 tỷ USD. Mặc dù vậy, sau đó Tổng thống Trump đã quyết định hoãn kế hoạch áp thuế 25% đối với hàng hóa từ Mexico và Canada trong vòng 30 ngày, sau khi đạt được thỏa thuận về các biện pháp kiểm soát biên giới và phòng chống tội phạm với hai quốc gia láng giềng.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong cuộc họp báo về cảnh báo áp thuế của Tổng thống Mỹ, tại Ottawa ngày 2/2. Ảnh: THX/TTXVN
Về phía Trung Quốc, nước này đã ra các tuyên bố phản đối về việc áp thuế của Mỹ, nêu rõ cách làm đơn phương tăng thuế quan của Mỹ vi phạm nghiêm trọng quy tắc của WTO, phá vỡ sự hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước. Sau đó, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp mức thuế 15% đối với than và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời áp thuế 10% đối với dầu thô, thiết bị nông nghiệp và một số dòng xe ô tô từ ngày 10/2; đồng thời áp dụng biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với một số khoáng sản quan trọng và đưa hai công ty của Mỹ vào danh sách các thực thể không đáng tin cậy. Trung Quốc cũng đã nộp đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Giới phân tích cho rằng việc áp thuế trên có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại mới có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và đẩy cao lạm phát.
Bỉ có chính phủ mới sau 236 ngày chờ đợi
Một phiên họp quốc hội liên bang tại thủ đô Brussels, Bỉ. Ảnh: EPA
Ngày 1/2, sau 236 ngày đàm phán căng thẳng, kéo dài gần 8 tháng kể từ cuộc bầu cử tháng 6/2024, 5 đảng phái chính trị tại Bỉ đã chính thức công bố đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ liên bang mới, đưa đất nước này dịch chuyển sang cánh hữu.
Thỏa thuận lịch sử này được ký kết vào cuối ngày 31/1 sau hơn 7 tháng đàm phán gian nan, đánh dấu lần đầu tiên một chính trị gia theo chủ nghĩa dân tộc đến từ vùng Flanders nói tiếng Hà Lan trở thành Thủ tướng Bỉ.
Liên minh cầm quyền mới, được gọi là “Arizona” - bao gồm các đảng Dân tộc chủ nghĩa N-VA, Dân chủ Thiên Chúa giáo CD&V và đảng Tiến bước Vooruit từ phía Flanders (vùng tiếng Hà Lan); đảng Phong trào Cải cách MR và đảng theo đường lối trung dung Les Engagés từ phía Wallonia (vùng tiếng Pháp).
Ngày 3/2, ông Bart De Wever, Chủ tịch đảng N-VA, đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Bỉ.
Ông Bart De Wever, Chủ tịch đảng Dân tộc chủ nghĩa N-VA. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Bỉ, quốc gia gồm cộng đồng nói tiếng Pháp và cộng đồng nói tiếng Hà Lan, có hệ thống chính trị phức tạp và những cuộc đàm phán liên minh kéo dài. Kỷ lục về thời gian thành lập chính phủ của nước này từng lên tới 541 ngày vào năm 2010-2011. Việc thành lập chính phủ mới được coi là một phép màu đối với chính trường Bỉ và Liên minh “Arizona” được kỳ vọng sẽ lãnh đạo đất nước đến năm 2029.
Dịch cúm mùa càn quét nhiều nơi thế giới
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi đi dạo trong công viên ở Brussels, Bỉ. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Dịch cúm mùa 2024 - 2025 đang lan rộng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều quốc gia trên thế giới, gây ra những lo ngại lớn về sức khỏe cộng đồng và tạo sức ép nặng nề lên hệ thống y tế toàn cầu. Từ châu Âu, nơi dịch cúm bùng phát mạnh mẽ tại Bỉ, cho đến Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ gia khác, số ca mắc cúm và tử vong tăng đột biến. Các quốc gia này đang vật lộn để kiểm soát dịch bệnh và giảm thiểu các tác động tiêu cực lên xã hội.
Tại Bỉ, tình hình dịch cúm mùa 2024 - 2025 rất nghiêm trọng, với số ca mắc bệnh gia tăng mạnh, làm hệ thống y tế rơi vào tình trạng báo động. Số lượt khám cúm trong tuần cuối tháng 1 đã tăng gấp đôi so với mùa trước, với tỷ lệ người đến khám lên tới mức kỷ lục 1.199/100.000 dân. Các bệnh viện đang phải đối mặt với tình trạng quá tải và thiếu giường bệnh, khi nhiều nhân viên y tế cũng bị nhiễm cúm, làm tăng áp lực cho hệ thống. Chuyên gia y tế cảnh báo rằng virus cúm năm nay nguy hiểm hơn và bệnh nhân cần điều trị kéo dài từ 5 đến 6 ngày. Mặc dù đã có khuyến cáo người dân ở nhà để hạn chế lây lan, nhưng do thiếu hỗ trợ tài chính, nhiều người vẫn buộc phải đi làm, gia tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Tại Mỹ, dịch cúm cũng đang ở mức báo động. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), đã có ít nhất 24 triệu ca mắc cúm và 13.000 ca tử vong. Trong tuần kết thúc vào ngày 1/2, số ca nhập viện vì cúm vượt quá 48.000, với 57 ca tử vong ở trẻ em. Các loại virus khác như COVID-19, RSV và norovirus cũng đang gia tăng, gây thêm căng thẳng cho hệ thống y tế. CDC khuyến cáo mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên nên tiêm vaccine cúm hàng năm để phòng ngừa dịch bệnh.
Tình hình tại Nhật Bản cũng không kém phần nghiêm trọng. Mặc dù số ca cúm mùa có xu hướng giảm trong tuần cuối tháng 1, nhưng giới chức y tế vẫn cảnh báo dịch cúm chưa thể được kiểm soát hoàn toàn. Virus cúm “Loại A” đang giảm, nhưng nguy cơ gia tăng của “Loại B” và các bệnh truyền nhiễm khác như COVID-19 vẫn tiềm ẩn. Các bệnh viện ở Tokyo vẫn phải đối mặt với tình trạng quá tải và nhiễm trùng trong bệnh viện, mặc dù số ca cúm đã giảm.
Tại Hong Kong (Trung Quốc), dịch cúm đang có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là khi nhiều sinh viên và người dân trở lại sau kỳ nghỉ Tết. Chính quyền địa phương đã triển khai các biện pháp phòng ngừa, khuyến khích người dân tiêm vaccine, nhất là những người có nguy cơ cao như người già, trẻ em và những người mắc bệnh nền. Tỷ lệ tiêm phòng ở nhóm này đã đạt 97,5%, nhưng vẫn còn nhiều người trong nhóm nguy cơ cao chưa tiêm vaccine.
Dịch cúm mùa cũng đang khuấy đảo cuộc sống của người dân Đài Loan (Trung Quốc). Trong tuần cuối tháng 1, hơn 162.000 người đã đến các cơ sở y tế vì các triệu chứng cúm, và 25 ca tử vong đã được ghi nhận. Mặc dù tỷ lệ tiêm phòng ở Đài Loan khá cao, nhưng hơn 90% các ca nặng và tử vong đều là những người chưa tiêm vaccine. Chính quyền địa phương đang khuyến cáo nhóm người có nguy cơ cao nhanh chóng tiêm phòng để bảo vệ sức khỏe.
Tình hình dịch cúm mùa đang diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới, khiến các hệ thống y tế, giáo dục và xã hội phải đối mặt với những thách thức lớn. Các chuyên gia y tế khuyến cáo cộng đồng thực hiện các biện pháp phòng ngừa như rửa tay, đeo khẩu trang và tiêm vaccine để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.