Thủ lĩnh Hamas bất ngờ bị tiêu diệt
Ngày 17/10, tin tức về việc thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar (62 tuổi) tử vong bắt đầu lan truyền. Theo đó, vào khoảng 3 giờ sáng 16/10, lính bộ binh thuộc Lữ đoàn Bislach của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF), một đơn vị thường đào tạo các chỉ huy tương lai, rà soát khu Tal as-Sultan ở Rafah, phía Nam Gaza.
Họ phát hiện một nhóm nhỏ nam giới di chuyển giữa các tòa nhà, một trong số đó sau đó được xác định là ông Sinwar. Binh sĩ Israel sử dụng thiết bị bay không người lái để xác định vị trí của các đối tượng tình nghi và còn đấu súng với nhóm này, giết chết 3 đối tượng. Một trong số các đối tượng đã đi vào vào tòa nhà bị hư hại, và binh sĩ Israel đã điều khiển thiết bị bay không người lái đuổi theo ông ta.
Sinwar bị thương và ngồi trên chiếc ghế bị hư hỏng trong tòa nhà. Ông ném cây gậy vào thiết bị bay không người lái. Quân đội Israel dùng xe tăng và tên lửa bắn phá tòa nhà, khiến Sinwar tử vong. Thi thể của Sinwar sau đó được đưa đến một phòng thí nghiệm ở Israel, nơi cảnh sát xác nhận kết quả trùng khớp với hồ sơ nha khoa và dấu vân tay của ông, được lấy trong thời gian ông bị giam giữ trước đó. Sinwar từng trải qua 22 năm trong nhà tù Israel và được thả vào năm 2011 trong một cuộc trao đổi tù nhân.
Ngày 18/10, Hamas chính thức xác nhận về cái chết của thủ lĩnh Sinwar. Ông Sinwar đã không xuất hiện trước công chúng kể từ ngày 7/10 năm trước. Trong một thời gian dài, Sinwar vô cùng cẩn trọng về an ninh cá nhân. Không rõ điều gì đã khiến ông rời các đường hầm và lên mặt đất ngày 16/10, một quyết định định mệnh khiến ông gặp nguy hiểm.
Trong một năm qua, Israel đã cố gắng tiêu diệt Sinwar với cáo buộc ông lên kế hoạch cho cuộc tấn công do Hamas cầm đầu vào Israel vào ngày 7/10/2023, khiến 1.139 người thiệt mạng và khoảng 250 người bị bắt làm con tin.
Cái chết của Sinwar có thể ảnh hưởng thế nào đến tiến trình cuộc chiến tàn khốc của Israel ở Gaza vẫn chưa rõ ràng. Thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu tuyên bố rằng mặc dù vụ giết ông Sinwar có thể không đánh dấu kết thúc của cuộc chiến của Israel ở Gaza, nhưng nó có thể báo hiệu "khởi đầu của hồi kết".
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 18/10 nhận định cái chết của thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar là "khoảnh khắc công lý" và cơ hội để tìm kiếm con đường hòa bình ở Gaza.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng Nga quan ngại về hậu quả sẽ gây ra cho Trung Đông bắt nguồn từ việc Israel sát hại ông Sinwar.
Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) bày tỏ lời chia buồn về cái chết của ông Sinwar đồng thời kêu gọi tất cả các phe phái Palestine đoàn kết. Hezbollah vốn đang xung đột với Israel ở Liban, cho biết họ cũng thương tiếc ông Sinwar và sẽ tiếp tục ủng hộ người dân Palestine.
Ông Jon B. Alterman tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Mỹ cho rằng sau cái chết của ông Sinwar, tình trạng hỗn loạn của Hamas sẽ làm phức tạp thêm các nỗ lực ngoại giao trong ngắn hạn. Ông nhận định: “Việc thiếu một nhà lãnh đạo Hamas đáng tin cậy đồng nghĩa với việc sẽ rất khó để thúc đẩy một số bộ phận của lực lượng này hướng đến lệnh ngừng bắn”.
Trong khi đó, ông Jonathan Panikoff, giám đốc Sáng kiến An ninh Trung Đông Scowcroft thuộc Hội đồng Đại Tây Dương phân tích rằng mặc dù cái chết của ông Sinwar có thể mang đến cơ hội khép lại một trong những chương đau thương nhất trong lịch sử gần đây của Israel, nhưng nó sẽ không giúp giải quyết được xung đột khác của Tel Aviv trong khu vực, ví dụ như cuộc đối đầu với Hezbollah tại Liban.
Căng thẳng tại Bán đảo Triều Tiên leo thang
Ngày 19/10, Triều Tiên đã công bố những hình ảnh được cho là mảnh vỡ của thiết bị bay không người lái quân sự của Hàn Quốc ở Bình Nhưỡng. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cáo buộc Hàn Quốc sử dụng thiết bị bay không người lái rải truyền đơn trên bầu trời thủ đô Bình Nhưỡng.
KCNA đồng thời cho rằng mảnh vỡ mới được ghi nhận có thể bắt nguồn từ thiết bị bay không người lái đã rải truyền đơn trên trung tâm thành phố Bình Nhưỡng, tuy nhiên hiện vẫn chưa có kết luận.
Cùng ngày 19/10, Triều Tiên nhắc lại lời cảnh báo trước đó rằng động thái xâm nhập bằng thiết bị bay không người lái khác sẽ được coi là "tuyên chiến" và Bình Nhưỡng sẽ trả đũa ngay lập tức.
Về phần mình, ban đầu, quân đội Hàn Quốc phủ nhận việc cử thiết bị bay không người lái, nhưng sau đó tuyên bố rằng "không có giá trị gì trong việc xác minh hoặc phản hồi các tuyên bố đơn phương của Triều Tiên".
Dưới đây là video thu từ máy quay giám sát cho thấy Triều Tiên phá nổ các tuyến đường kết nối với Hàn Quốc ngày 15/10 (nguồn: Reuters):
Căng thẳng ở Bán đảo Triều Tiên ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây. Hãng thông tấn Yonhap dẫn thông báo của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết sáng 15/10, Triều Tiên đã kích nổ một phần các tuyến đường Gyeongui và Donghae ở phía Bắc Đường ranh giới quân sự (MDL). Hai con đường Gyeongui và Donghae được xây dựng trong thời kỳ hòa giải giữa hai miền Triều Tiên vào giữa những năm 2000. Tuy nhiên, trong những năm gần đây chúng không còn hoạt động do mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước.
Đến ngày 14/10, KCNA cho biết quân đội Triều Tiên đã yêu cầu các đơn vị pháo binh ở biên giới phía Nam của nước này trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Bản tin của KCNA có đoạn nêu rõ quân đội đã yêu cầu 8 lữ đoàn pháo binh cần sẵn sàng và các lực lượng phòng không tăng cường nhiệm vụ bảo vệ thủ đô Bình Nhưỡng.
KCNA ngày 16/10 đưa tin, khoảng 1,4 triệu thanh niên Triều Tiên đã gia nhập hoặc trở lại quân ngũ trong tuần này. Theo KCNA, thanh niên Triều Tiên quyết tâm chiến đấu trong một "cuộc chiến tranh thiêng liêng tiêu diệt kẻ thù bằng vũ khí của cách mạng”.
Ngày 18/10, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gọi Hàn Quốc là “một quốc gia xa lạ và thù địch”, đồng thời cảnh báo sẽ sử dụng vũ lực nếu chủ quyền của Triều Tiên bị xâm phạm.
Bầu cử sớm tại Mỹ
Còn vài tuần nữa mới đến Ngày bầu cử 5/11, nhưng công dân Mỹ ở một số vùng của đất nước đã có cơ hội bỏ phiếu. Việc bỏ phiếu sớm trực tiếp đã triển khai tại các tiểu bang Georgia, Minnesota, South Dakota và Virginia trong tuần này, một số tiểu bang khác đã triển khai quy trình bỏ phiếu qua thư vào đầu tháng này.
Theo dữ liệu từ Election Lab của Đại học Florida, tính đến ngày 17/10, hơn 8,8 triệu công dân Mỹ đã bỏ phiếu sớm. Ngày 17/10, nhiều cử tri tại bang chiến địa North Carolina đã đi bỏ phiếu sớm trực tiếp, chỉ vài tuần sau khi bão Helene đổ bộ vào Mỹ gây thiệt hại nặng về người và tài sản. Giám đốc điều hành Hội đồng bầu cử bang North Carolina – bà Karen Brinson Bell cho biết hơn 400 điểm bỏ phiếu sớm trên khắp 100 hạt của bang đã mở cửa theo kế hoạch từ nay đến ngày 2/11.
Cuối tuần này, hai ứng cử viên đảng Cộng hòa và Dân chủ đã ráo riết thực hiện chiến dịch vận động tại bang Michigan. Michigan là một trong ba tiểu bang "bức tường xanh", cùng với Pennsylvania và Wisconsin, sẽ góp phần quyết định cuộc bầu cử vào ngày 5/11. Các khối bỏ phiếu đa dạng là chìa khóa để giành chiến thắng ở hầu hết mọi tiểu bang dao động, nhưng Michigan lại là tiểu bang độc đáo với dân số người Mỹ gốc Arab đáng kể. Nhóm cử tri này vô cùng thất vọng trước cách phản ứng của chính quyền Tổng thống Biden đối xung đột Israel-Hamas tại Gaza, cũng như chiến dịch quân sự của Israel tại Liban.
Michigan có khoảng 8,4 triệu cử tri và sẽ mang về cho người chiến thắng 15 phiếu Đại cử tri trong số 270 phiếu cần thiết để giành chiến thắng chung cuộc, đây có thể là một con số quyết định. Ông Trump từng giành chiến thắng tại Michigan với 11.000 phiếu bầu vào năm 2016. Năm 2020, cũng tại bang này, ông bị đối thủ từ đảng Dân chủ là ông Biden đánh bại với 155.000 phiếu bầu.
Trong một diễn biến khác, ngày 14/10, truyền thông Mỹ đưa tin đối tượng bị bắt giữ bên ngoài sự kiện vận động tranh cử tại bang California của ứng cử viên Donald Trump đã phủ nhận âm mưu ám sát vị cựu Tổng thống này. Nghi phạm Vem Miller cho biết việc anh ta mang theo hai khẩu súng đến sự kiện vận động tranh cử chỉ để tự vệ. Miller đang được tại ngoại sau khi nộp số tiền bảo lãnh 5.000 USD.
Vụ bắt giữ Miller diễn ra trong bối cảnh gia tăng lo ngại về bạo lực chính trị tại Mỹ. Cựu Tổng thống Trump đã bị nghi phạm Thomas Matthew Crook nhắm bắn khi đang vận động tranh cử ở Butler hôm 3/7, khiến ông bị thương ở tai. Crooks đã bị đội bắn tỉa của mật vụ Mỹ bắn hạ sau đó. Đến ngày 15/9, ứng cử viên đảng Cộng hòa một lần nữa trở thành mục tiêu khi đang chơi golf ở Florida. Rất may lần này, mật vụ Mỹ đã sớm phát hiện tay súng và ngăn chặn kịp thời.
Tổng thống Ukraine trình bày 'kế hoạch chiến thắng'
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 16/10 đã trình bày kế hoạch chiến thắng của mình trước Quốc hội Ukraine. Kế hoạch bao gồm năm điểm chính và ba phụ lục bí mật. Ông Zelensky khẳng định: “Kế hoạch chiến thắng của Ukraine củng cố quốc gia và củng cố vị thế của chúng ta. Để đủ mạnh để chấm dứt xung đột. Nếu chúng ta bắt đầu thực hiện kế hoạch chiến thắng cụ thể này ngay bây giờ, chúng ta có thể chấm dứt xung đột chậm nhất là vào năm sau”
Điểm đầu tiên trong kế hoạch của ông Zelensky là Ukraine trở thành thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Điểm thứ hai trong kế hoạch của ông Zelensky là Ukraine nhận thêm nhiều vũ khí và không có giới hạn về việc sử dụng chúng. Nó bao gồm khả năng phòng không để ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga, dữ liệu vệ tinh thời gian thực từ các đồng minh, chấm dứt mọi hạn chế về việc sử dụng vũ khí được tài trợ để tấn công bên trong lãnh thổ Nga và hỗ trợ từ các đồng minh trong bắn hạ tên lửa và thiết bị bay không người lái trên lãnh thổ Ukraine.
Điểm thứ ba là Kiev đề xuất triển khai bộ răn đe chiến lược phi hạt nhân toàn diện đủ để bảo vệ Ukraine khỏi mọi mối đe dọa quân sự từ Nga. Tổng thống Zelensky không tiết lộ chính xác các loại vũ khí trong bài phát biểu trước Quốc hội, nhưng ông nói rằng các nhà lãnh đạo Mỹ, Đức, Pháp và Anh biết những yêu cầu của Kiev.
Bên cạnh đó, Ukraine đề xuất các đối tác từ Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ ký một thỏa thuận đặc biệt về việc sử dụng chung các nguồn tài nguyên quan trọng của Ukraine như lithium, khí đốt, titan… đồng thời cùng nhau sản xuất năng lượng trong tương lai.
Cuối cùng, ông Zelensky nói: "Nếu các đối tác đồng ý, chúng tôi hình dung việc thay thế một số nhóm quân sự của quân đội Mỹ đồn trú tại châu Âu bằng các đơn vị Ukraine. Sau xung đột”.
Đến ngày 17/10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phát biểu trước Hội đồng châu Âu tại Brussels (Bỉ), trình bày kế hoạch giải quyết xung đột Ukraine-Nga. Ông nêu hai lựa chọn để giải quyết xung đột với Nga, đó là nước này sẽ gia nhập NATO hoặc nếu không sẽ theo đuổi vũ khí hạt nhân, trong đó Ukraine đang thiên về giải pháp thứ nhất.
Cùng ngày, Tổng thống Ukraine đã có cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Mark Rutte. Phát biểu trong cuộc họp báo chung sau cuộc gặp, ông Zelensky đã kêu gọi NATO tiếp tục ủng hộ đơn xin gia nhập khối này của Ukraine và tăng cường hỗ trợ nước này trong cuộc xung đột với Nga.
Đáp lại, Tổng thư ký NATO cho biết Ukraine sẽ gia nhập liên minh quân sự này như đã được cam kết lâu nay, song không ủng hộ việc kết nạp Ukriane ngay lập tức.