Trong báo cáo được công bố chung với Công ước LHQ về Chống sa mạc hóa (UNCCD), các nhà khoa học lưu ý, mất rừng và suy thoái đất đang làm giảm khả năng phục hồi của hệ sinh thái trước biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học. “Vòng luẩn quẩn” này đang đẩy thế giới đến bờ vực sụp đổ.
Báo cáo mới nêu bật gánh nặng lớn mà hành tinh đang phải hứng chịu do hậu quả của các hoạt động nông nghiệp, đồng thời kêu gọi cần có những thay đổi lớn trong phương thức sản xuất nông nghiệp. Hoạt động canh tác nông nghiệp gây ra 23% lượng khí thải nhà kính, 80% nạn phá rừng và 70% lượng nước ngọt sử dụng. Theo báo cáo này, việc mở rộng diện tích đất nông nghiệp, dù giúp nuôi sống nhiều người hơn trong ngắn hạn, nhưng lại có thể đẩy nhanh quá trình thoái hóa đất, mất đa dạng sinh học... dẫn đến mất an ninh lương thực trong dài hạn.
Ngoài việc thúc đẩy tình trạng mất rừng, việc sử dụng lượng lớn hóa chất trong phân bón và thuốc trừ sâu tạo ra các “vùng chết” trên sông ngòi, gây hại cho đa dạng sinh học và làm tăng lượng khí nhà kính. Quản lý nguồn nước kém cũng là một yếu tố dẫn tới sự cạn kiệt nguồn nước ngọt, vốn là tài nguyên sống còn đối với các xã hội.
Để đối phó với tình trạng này, báo cáo đề xuất các giải pháp như cải cách nông nghiệp, cải thiện quản lý tài nguyên nước và giảm tham nhũng trong ngành nông nghiệp. Một trong những giải pháp quan trọng là điều chỉnh các khoản trợ cấp nông nghiệp không hiệu quả, trị giá hàng trăm tỷ USD, sang các phương thức nông nghiệp bền vững.
Báo cáo trên được đưa ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về sa mạc hóa của LHQ, diễn ra tại Saudi Arabia ngày 2/12, với nhiệm vụ thúc đẩy các nỗ lực phục hồi 1,5 tỷ ha đất bị suy thoái trong thập kỷ này. Đây được xem là hội nghị lớn nhất về vấn đề đất đai, diễn ra sau một loạt các cuộc đàm phán căng thẳng của LHQ về khí hậu, đa dạng sinh học và rác thải nhựa.
Ông Ibrahim Thiaw, Thư ký điều hành UNCCD cảnh báo: "Nếu chúng ta không thừa nhận vai trò quan trọng của đất đai và không có hành động thích hợp, hậu quả sẽ ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống và kéo dài đến tận tương lai, làm gia tăng những thách thức cho các thế hệ tương lai".